|
  • :
  • :

Năng động làm kinh tế nông nghiệp

Từ 5 công đất được cha mẹ cho sau khi lập gia đình, anh Nguyễn Văn Tuấn ở ấp Tân Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh đã miệt mài canh tác lúa, tích cóp mua thêm đất đai để mở rộng diện tích lúa, đào ao nuôi cá tra. Nhờ số tiền tích lũy từ bờ ruộng, ao cá anh tiếp tục chuyển hướng kinh doanh, gầy dựng cơ ngơi ngày càng khang trang, sung túc.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (bìa trái) bên ruộng lúa của gia đình.

Hôm chúng tôi tìm đến xã Thạnh Lộc hỏi thăm cây xăng Phúc Tuấn của anh Nguyễn Văn Tuấn là không ai không biết. Bởi cây xăng của gia đình nằm trên tuyến đường giao thông liên xã thảm nhựa phẳng lì. Thế nhưng khách hàng chính của gia đình không phải đến từ lượng xe cộ lưu thông trên tuyến đường này mà từ những nông hộ trên địa bàn xã. Vào mùa thu hoạch, cây xăng của anh Tuấn có thể bán ra từ 10.000-12.000 lít xăng dầu/ngày. Các tháng còn lại chỉ bán khoảng 1.000-2000 lít xăng dầu. Người dân ở xã Thạnh Lộc và các xã lân cận chủ yếu sống bằng nghề nông, canh tác lúa, trồng rau màu, nuôi thủy sản. Họ thường đến cửa hàng của anh Tuấn mua xăng dầu về phục vụ bơm nước ruộng, tưới rau, tát ao cá, vận hành các máy móc nông nghiệp ở khâu làm đất hay thu hoạch lúa… Tùy theo diện tích canh tác mà mỗi khách hàng có thể mua từ vài chục đến vài trăm lít xăng dầu.

Ngoài làm chủ cây xăng, anh Tuấn còn có 4,8ha đất trồng lúa, mỗi năm canh tác 3 vụ với các giống lúa đặc sản như Đài Thơm 8 hoặc RVT. Có vụ lúa được giá anh bán cho thương lái nhưng cũng có vụ không được giá anh Tuấn chủ động trữ lúa lại và mua thêm của bà con xung quanh chờ đến lúa được giá mới bán ra kiếm lời. Có năm anh còn mạnh dạn liên hệ ngân hàng vay thêm để mua lúa trữ lại với sản lượng từ 200-300 tấn. Kho trữ lúa được anh đầu tư từ năm 2012 nhưng căn cứ vào tình hình thị trường anh Tuấn mới quyết định có mua dự trữ hay không. Theo anh, cần kinh nghiệm dự báo thị trường để chọn thời điểm thu mua  lúa vào và bán ra. Do bà con trên địa bàn xã không bán lúa trực tiếp qua công ty mà bán qua thương lái, khi anh tích trữ lúa cũng bán qua thương lái. Đối với ruộng lúa sau khi trừ chi phí gia đình anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng/vụ. Nếu kết hợp thêm phần thu mua lúa để vựa lại chờ bán ra, nếu năm nào giá bán ra ổn định, anh Tuấn có thể thu lãi 1.000 đồng/kg lúa và với lượng lưu kho lên đến 300 tấn lúa có thể cho thu lãi 300 triệu đồng.

Đối với nuôi cá tra, anh có 3 ao với diện tích mặt nước 10.000m2, chuyên bán cho các doanh nghiệp thủy sản ở Cần Thơ, An Giang là chính. Hôm chúng tôi đến, cả 3 ao cá tra của anh Tuấn đang treo ao sau khi đã bán cá cách đây 5-6 tháng, chờ đến khi cá tra có giá mới nuôi lại. Chia sẻ về kinh nghiệm treo ao, anh Tuấn cho biết: Đối với ruộng lúa, dù giá lúa có tăng hay giảm cũng phải làm đồng loạt với bà con nông dân. Nhưng với ao cá, việc treo ao cũng là một cách chủ động điều tiết nguồn cung, để tránh rơi vào tình cảnh bỏ công ra nuôi mà cung vượt cầu, không bán được lại còn lỗ công nuôi và chi phí thức ăn. Nuôi cá tra từ năm 2001, năm nào tôi cũng thả nuôi đều đặn nhưng sau nhiều lần thị trường bấp bênh mà vẫn duy trì nuôi chờ giá lên vừa kéo dài tiêu tốn thức ăn, cá chậm lớn, phập phồng nỗi lo đầu ra. Vì thế từ năm 2017 đến nay, có những thời điểm thị trường bấp bênh, tôi mạnh dạn treo ao để chờ thị trường khởi sắc mới thả nuôi lại.

Mỗi vụ cá tra có thời gian nuôi từ 7-8 tháng. Nếu năm nào cá có giá anh Tuấn áp dụng hình thức nuôi chuyền vụ, nuôi thúc. Mỗi ao sẽ thả nuôi cá có kích cỡ khác nhau và cho nuôi thúc để rút ngắn thời gian thu hoạch để khoảng 3-4 tháng sẽ có cá thu hoạch luân phiên. Trung bình mỗi ao cá cho thu hoạch 250-300 tấn cá tra/vụ. Mỗi năm 3 ao trung bình cho thu hoạch khoảng 1.000 tấn cá, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 3 tỉ đồng/năm.

Theo anh Tuấn, tham gia vào lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là một quyết định đầu tư trái ngành nghề nhưng thực ra cũng là đam mê từ thời còn trẻ của anh. Nhưng lúc bấy giờ chưa đủ vốn liếng, kinh nghiệm nên mãi đến năm 2017 anh mới tích cóp đủ vốn liếng để mở cây xăng. Do xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện nên từ một nhà nông vốn chỉ quen với vườn ruộng, ao cá, anh tham gia các lớp đào tạo để đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, học hỏi những người đi trước để đáp ứng đủ các điều kiện về quy chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định.

Một trong những kinh nghiệm đúc kết của anh Tuấn sau quá trình đầu tư nhiều lĩnh vực là thường xuyên theo dõi tình hình thị trường. Anh Tuấn chia sẻ: “ Thời chưa có công nghệ thông tin, internet chưa phát triển, muốn biết thị trường cá tra nhu cầu tăng hay giảm, tôi thường hỏi thăm các cửa hàng chuyên bán thức ăn thủy sản, xem tại thời điểm này người nuôi cá thường mua thức ăn cho cá size nào nhiều để dự đoán khả năng lứa cá nào đang được thả nuôi nhiều để lựa chọn thời điểm nào bắt đầu thả nuôi để tránh cá rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Đối với trồng lúa, nuôi cá để quyết định nuôi nhiều hay ít, trồng giống lúa gì, thời điểm xuất bán ra sao, có nên mua trữ lúa hay không, tôi đều theo dõi sát sao thị trường qua báo đài để cân đối sản lượng, đón đầu thị trường. Chuyển sang kinh doanh xăng dầu ngày nào tôi cũng dùng điện thoại thông minh cập nhật giá cả xăng dầu thế giới và trong nước để chủ động lượng nhập hàng.”

Anh Trần Thành Tỏ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh, cho biết thêm: Anh Nguyễn Văn Tuấn ở xã Thạnh Lộc là một nông dân năng động khi chủ động phát triển những ngành nghề vừa giải quyết bài toán kinh tế gia đình vừa hỗ trợ lại cho ngành Nông nghiệp địa phương.  Với việc thu mua lúa dự trữ, anh Tuấn góp phần giải quyết đầu ra cho nông dân. Ngành kinh doanh xăng dầu cũng chủ yếu phục vụ cho nông nghiệp. Các ngành nghề cũng hỗ trợ qua lại cho nhau. Chẳng hạn  những năm thị trường xăng dầu rơi vào tình trạng khó khăn, anh Tuấn lại vẫn có thu nhập ổn định nhờ vào nghề làm lúa, nuôi cá. Nhờ năng động đổi mới mô hình kinh doanh, anh Tuấn nhiều năm liền đạt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và thành phố.

Anh Nguyễn Văn Tuấn hiện là thành viên của Câu lạc bộ Nông dân tỉ phú tiêu biểu TP Cần Thơ. Theo anh Tuấn, tham gia vào câu lạc bộ là một điều may mắn bởi các thành viên trong Câu lạc bộ đều là những nông dân có nhiều năm kinh nghiệm, trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh trong các ngành nghề phục vụ cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp. Tham gia Câu lạc bộ sẽ là cơ hội để anh cùng các thành viên cũng chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa tinh thần không ngừng cố gắng vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình cũng như góp phần xây dựng địa phương.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/nang-dong-lam-kinh-te-nong-nghiep-a167839.html