|
  • :
  • :

Nâng chất chuỗi giá trị nông sản từ chuyển đổi số 

Chương trình chuyển đổi số (CÐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6-2020 xác định nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện CÐS.

Thực tế cũng cho thấy, CÐS trong nông nghiệp không chỉ giải quyết các thách thức đặt ra về mặt kỹ thuật trong khâu sản xuất mà còn giúp nông dân, doanh nghiệp giải quyết tốt vấn đề quản trị, thúc đẩy thương mại nông sản theo hướng minh bạch, công bằng.

Ứng dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp đang được ngành Nông nghiệp các địa phương khuyến khích nhân rộng.

Hướng đi tất yếu

Tại hội thảo - tọa đàm với chủ đề CÐS trong nông nghiệp vừa diễn ra, nhiều chuyên gia cho rằng, CÐS nông nghiệp giờ đây không chỉ là xu hướng mà còn là hướng đi tất yếu. Nông nghiệp Việt Nam những năm qua có những bước tiến vượt bậc được thể hiện qua xuất khẩu nông sản luôn có xu hướng tăng cả về sản lượng lẫn giá trị. Nông sản Việt hiện có mặt tại nhiều vùng quốc gia, vùng lãnh thổ và bước đầu khẳng định thương hiệu, vị thế trên trường quốc tế. Bên cạnh những thành quả đạt được, nông nghiệp và nông sản Việt cũng đứng trước các thách thức: sự cạnh tranh gay gắt; rào cản thương mại, kỹ thuật từ các nước nhập khẩu; yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm; sản xuất, chế biến và xuất khẩu phải đảm bảo hài hòa yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường…

Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, các thành tựu từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 như Internet of Things (IoT), Bigdata, AI, Blockchain… hoàn toàn có thể giải quyết các khó khăn trước mắt và đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Theo TS Nguyễn Ðức Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số Viet Lotus, dự báo đến năm 2050, dân số thế giới chạm mốc 9,5 tỉ người, trong đó có tới 50% dân số sống ở khu vực đô thị. Từ đó, không chỉ kéo theo nhu cầu tiêu dùng nông sản tăng cao mà còn đặt ra yêu cầu về minh bạch thông tin, khả năng truy xuất nguồn gốc, xu hướng tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường. Ngoài ra, thương mại nông sản diễn ra trên quy mô toàn cầu dẫn đến những vướng mắc, rào cản về quy định giữa các quốc gia. “Trước những vấn đề trên, sản xuất nông nghiệp đang hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong đó, các công nghệ số tạo điều kiện thúc đẩy các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi giá trị như mô hình chia sẻ, kéo dài vòng đời sản phẩm, thu hồi tài nguyên, kinh doanh hệ thống dịch vụ sản phẩm…” - TS Nguyễn Ðức Nhân nói.

Bà Ðặng Thị Phương Thảo, đại diện Newee.asia (nền tảng phát triển nhà bán hàng online toàn diện thông qua thương mại điện tử và mạng xã hội), chia sẻ: Nhiều năm qua, nông dân điêu đứng vì nông sản tiêu thụ chậm, khó tìm được đầu ra. Nhiều nông sản, sản vật địa phương chưa được chú trọng phát triển thành sản phẩm có giá trị, mà chỉ dừng lại ở chế biến tại chỗ, xuất khẩu thô. Và trong hơn 2 năm qua, sự xuất hiện của dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh mẽ tới các hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối hàng hóa. Thay vì đi mua sắm trực tiếp người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến, lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Những biến chuyển về xu thế tiêu dùng đòi hỏi người sản xuất, phân phối sản phẩm phải phát triển thương mại điện tử để xóa bỏ hoàn toàn mọi rào cản về khoảng cách không gian và thời gian trong kinh doanh.

Nâng chất lượng, tạo niềm tin

Từ thực tế trên, ông Phạm Văn Quân, Nhà sáng lập và điều hành Công ty CP Công nghệ 4TE, khẳng định: Ứng dụng công nghệ số là cơ hội đổi mới phương thức quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời minh bạch quy trình sản xuất đến thương mại, phân phối và tiêu dùng nông sản. Chính việc minh bạch sẽ mang lại lợi ích cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Khi đó người sản xuất đáp ứng yêu cầu chung của cơ quan quản lý nhà nước; tăng hình ảnh, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, tăng niềm tin đối với khách hàng, từ đó tăng doanh thu và lợi nhuận. Người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi chính đáng khi có đủ thông tin quy trình sản xuất - thu hoạch - vận chuyển - chế biến - phân phối, tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất  lượng.

Theo bà Ðặng Thị Phương Thảo, để khai thác được lợi thế của thương mại điện tử, người nông dân cần được đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ, làm quen với hình thức kinh doanh mới. Bởi để kinh doanh thành công, người sản xuất không chỉ tập trung cho chất lượng mà còn phải có kế hoạch marketing bán hàng; đầu tư cho thiết kế hình ảnh, bao bì sản phẩm, xây dựng câu chuyện về sản phẩm của mình sao cho cuốn hút, ấn tượng. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, để xúc tiến đẩy mạnh việc CÐS trong nông nghiệp, cần phải có kế hoạch, lộ trình CÐS cho ngành Nông nghiệp. Trong đó, Nhà nước cần đẩy mạnh việc hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của bộ, ngành Trung ương và địa phương để phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số.

Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn 2 lĩnh vực đột phá là trồng trọt và chăn nuôi để đẩy mạnh CÐS. Ðồng thời, đang trong giai đoạn hoàn thiện, trình phê duyệt Ðề án CÐS ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở để toàn ngành triển khai CÐS. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xây dựng chương trình khung đào tạo về công nghệ số, CÐS cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với kế hoạch vạch ra bài bản cùng những giải pháp cụ thể, quá trình CÐS ngành Nông nghiệp hứa hẹn tạo đột phá, động lực mới nâng cao hiệu quả sản xuất; thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong chuỗi sản xuất từ người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã… tham gia vào quá trình CÐS.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/nang-chat-chuoi-gia-tri-nong-san-tu-chuyen-doi-so-a148911.html