|
  • :
  • :

Nâng cao hiệu quả trồng lúa gắn với thích ứng biến đổi khí hậu 

Sản xuất lúa gạo tại vùng ÐBSCL đóng vai trò quan trọng trong tạo thu nhập cho nhiều người dân và đảm bảo an ninh lương thực (ANLT) quốc gia, thế giới. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BÐKH) ngày càng tăng. Ðể phát triển sản xuất lúa gạo bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án, sáng kiến giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và thích ứng BÐKH.

Ruộng lúa trong mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với BÐKH tại vùng ÐBSCL. Ảnh: CT

Ðổi mới sản xuất

Theo Bộ NN&PTNT, những năm gần đây, sản xuất lúa của ÐBSCL đạt sản lượng ổn định ở mức 24-25 triệu tấn/năm, qua đó đóng góp hơn 50% tổng lượng gạo sản xuất và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Sản xuất lúa gạo trong vùng đã tạo thu nhập và việc làm trực tiếp cho hơn 1,5 triệu hộ nông dân và góp phần quan trọng vào mục tiêu đảm bảo ANLT quốc gia, thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo tại vùng ÐBSCL vẫn đối mặt nhiều thách thức, hạn chế, cũng như tiềm ẩn những yếu tố không bền vững về mặt kinh tế - xã hội và môi trường. Ðáng chú ý là thu nhập của nông dân còn thấp. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của gạo xuất khẩu còn chưa cao. Hiệu quả sản xuất cũng còn hạn chế do nông dân còn canh tác theo tập quán truyền thống, việc áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật còn chưa đồng bộ. Sử dụng chưa hợp lý và còn dư thừa vật tư đầu vào, cũng như chưa quản lý và khai thác tốt các nguồn phụ phẩm trong quá trình sản xuất. Ðặc biệt, phần lớn các hộ dân trồng lúa đều có diện tích đất nhỏ, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa có sự liên kết thật tốt giữa các bên có liên quan. Diện tích sản xuất lúa tại nhiều địa phương cũng có xu hướng bị thu hẹp dần do công nghiệp hóa, đô thị hóa, ảnh hưởng BÐKH và các hoạt động sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong.

Sản xuất lúa gạo, nhất là lúa nước làm tăng phát thải khí nhà kính. Do vậy, cần có sự liên kết, phối hợp giữa “bốn nhà” và giữa các quốc gia sản xuất lúa gạo và những bên có liên quan để áp dụng tốt các giải pháp, sáng kiến nhằm phát triển sản xuất giảm phát thải, ít ảnh hưởng đến môi trường và giúp mang lại hiệu quả sản xuất cao.

Triển khai nhiều chương trình, sáng kiến

Giải quyết những thách thức và hạn chế trong sản xuất lúa gạo trước các tác động của BÐKH, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ở nước ta đã quan tâm xây dựng và triển khai nhiều chính sách và chương trình để hỗ trợ cho vùng ÐBSCL. Ðặc biệt, Chính phủ đã có Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ÐBSCL thích ứng với BÐKH  và Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ÐBSCL. Bộ NN&PTNT cũng đang khẩn trương xây dựng và lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan để hoàn thiện Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL, trình Thủ tướng phê duyệt. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL là hình thức tổ chức sản xuất mới, góp phần thúc đẩy việc sản xuất lúa gạo được tốt hơn trong thời gian tới. Khi thành công ở ÐBSCL, đề án sẽ mở rộng ra các vùng miền khác. Mong đợi của đề án là giúp thu nhập tăng thông qua giảm các chi phí sản xuất, tăng chất lượng và giá bán sản phẩm. Cụ thể, giảm giống còn 80kg/ha, giảm phân bón và thuốc trừ sâu 30%, giảm nước tưới 30%, đồng thời quản lý tốt rơm rạ và áp dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa đồng bộ để giảm thất thoát sau thu hoạch xuống dưới 8%, giảm phát thải trên 10%. Sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam tăng hơn 20%, giúp tăng thu nhập người dân trồng lúa.

Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Bộ NN&PTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và các đơn vị có liên quan tổ chức hội thảo “Nông nghiệp thích ứng BÐKH cho đồng bằng châu Á”. Các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cùng IRRI và các địa phương, đơn vị và doanh nghiệp đã giới thiệu và cập nhật, cung cấp nhiều thông tin bổ ích về các chương trình, dự án và tiến bộ kỹ thuật nhằm canh tác lúa gạo bền vững, thích ứng BÐKH và giảm phát thải. Qua đó, thúc đẩy liên kết, phối hợp và hợp tác giữa các chương trình và các bên có liên quan để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Ðặc biệt, IRRI đã giới thiệu về chương trình sáng kiến của Nhóm tư vấn về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) gồm Sáng kiến Nông nghiệp xuất sắc (EIA) thích ứng BÐKH và Sáng kiến Bảo đảm ANLT (AMD) bảo vệ đồng bằng châu thổ châu Á. Theo ông Virender Kumar, Phó Giám đốc nghiên cứu Ban tác động bền vững của IRRI, IRRI mong muốn có sự phối hợp thực hiện các sáng kiến EIA và AMD với Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL. Qua đó, nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải carbon thấp. Việc lồng ghép thực hiện giữa các sáng kiến cũng giúp đạt hiệu quả bao trùm cao và các sáng kiến này không chỉ dừng lại ở phạm vi một quốc gia mà được nhân rộng, ứng dụng ở nhiều quốc gia.

Ðể hỗ trợ nông dân trồng lúa nâng cao hiệu quả sản xuất, thời gian qua Công ty CP Phân bón Bình Ðiền cũng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện Chương trình canh tác lúa thông minh (CTLTM) thích ứng với BÐKH vùng ÐBSCL. Công ty Bình Ðiền rất ủng hộ đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL và công ty cũng mong muốn được tăng cường phối hợp các đơn vị có liên quan để nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật trong quy trình CTLTM thích ứng với BÐKH. Theo ông Hồ Thế Huy, Phó Giám đốc Marketing, Công ty CP Phân bón Bình Ðiền, chương  trình CTLTM đã thực hiện 495 mô hình (0,5ha/mô hình) tại khắp 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL trong giai đoạn từ 2016-2017 và 2020-2022. Qua áp dụng các biện pháp, kỹ thuật canh tác lúa thông minh đã giúp nông dân giảm nhiều chi phí sản xuất nhờ giảm giống, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm tác động xấu đến môi trường. Ðồng thời, tăng năng suất, chất lượng lúa... nên tăng được lợi nhuận bình quân từ 4-4,5 triệu đồng/ha so với ruộng lúa đối chứng. Hiện Quy trình CTLTM thích ứng BÐKH đã được Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/nang-cao-hieu-qua-trong-lua-gan-voi-thich-ung-bien-doi-khi-hau-a158465.html