Lúa đông xuân 2023-2024 huyện Vĩnh Thạnh được thu hoạch.
Từ giữa tháng 2 nông dân huyện Vĩnh Thạnh, thuộc khu vực Nam Cái Sắn như thị trấn Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trinh, Thạnh Lộc, Thạnh Quới, Vĩnh Bình… đã bắt tay vào mùa thu hoạch lúa đông xuân 2023-2024. Ông Võ Văn Thanh, ở xã Thạnh Quới, cho biết: “Hằng năm, vào dịp rằm tháng Giêng âm lịch là người dân Nam Cái Sắn vào mùa thu hoạch lúa đông xuân. Vụ lúa đông xuân này, gia đình tôi sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp huyện. Năm nay sản xuất lúa có nhiều thuận lợi do thời tiết ổn định, đủ nước cung cấp cho lúa. Ðặc biệt, trước khi lúa vào mùa thu hoạch rộ có giá cao, nông dân ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp sớm nên thu được lợi nhuận khá. Sau khi thu hoạch lúa, chúng tôi tiếp tục vệ sinh đồng ruộng để sản xuất vụ lúa hè thu tiếp theo, đồng thời tiếp tục ứng dụng các biện pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo…”.
Vụ đông xuân 2023-2024, nông dân huyện Vĩnh Thạnh tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương, được thị trường chấp nhận, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Các giống lúa mà địa phương chọn gieo trồng, như Ðài Thơm 8, RVT, OM 5451, OM 4218 và một số giống khác phù hợp được doanh nghiệp đặt hàng. Ðến nay (22-2-2024) Vĩnh Thạnh đã thu hoạch được gần 2.200ha diện tích lúa đông xuân, đạt tỷ lệ 8,73% diện tích; năng suất lúa tươi từ 8,15-8,8 tấn/ha; giá bán lúa tươi ở mức khá, như Ðài Thơm 8 có giá từ 8.000-8.500 đồng/kg, lúa RVT giá dao động 8.000 đồng/kg, OM 5451 giá 8.200-8.300 đồng/kg, OM 18 giá từ 8.300-8.400 đồng/kg, OM 380 giá từ 7.900-8.000 đồng/kg và IR 50404 có giá 7.800-7.900 đồng/kg. Trừ chi phí sản xuất, nông dân thu được lợi nhuận khá trong vụ lúa đông xuân này.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, hầu hết các vụ mùa trong năm, ngành Nông nghiệp huyện nỗ lực hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðến thời điểm này, Vĩnh Thạnh được xác định là huyện sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình sản xuất sạch, theo chương trình VnSAT, tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP… Trong đó, lúa vẫn là sản phẩm chủ lực của huyện. Hằng năm, diện tích sản xuất lúa bình quân trên 68.700ha, cung cấp sản lượng gần 430.000 tấn, đóng góp khá lớn vào sản lượng gạo xuất khẩu của thành phố. Diện tích thủy sản thả nuôi hằng năm gần 600ha, với sản lượng thu hoạch trên 37.600 tấn. Tổng đàn gia súc, gia cầm trung bình hằng năm gần 400.000 con, cung cấp đáng kể lượng thịt hơi cho thành phố. Diện tích cây ăn trái phát triển với nhiều vườn cây đa dạng, như cam, quýt, sầu riêng, nhãn…
Ðặc biệt, năm 2023 sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh được triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch, chương trình đề ra. Trong đó, tổng diện tích sản xuất lúa đạt gần 72.000ha, tổng sản lượng đạt trên 512.000 tấn, lợi nhuận ước đạt gần 77 triệu đồng/ha, tăng hơn 32,6 triệu đồng/ha so với năm 2022. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất được quan tâm thực hiện như sử dụng máy phun hạt trong khâu gieo sạ để giảm mật độ giống và ứng dụng thiết bị drone để phun thuốc bảo vệ thực vật trên khoảng 30-40% diện tích sản xuất lúa. Trong hoạt động sự nghiệp nông nghiệp, công tác thủy lợi thực hiện cũng vượt so với kế hoạch, đồng thời tổ chức 75 cuộc tập huấn, phối hợp chuyển giao kỹ thuật sản xuất; tiếp tục duy trì và nâng chất 113 cánh đồng lớn với diện tích trên 18.538ha, trong đó có hơn 3.000ha liên kết bao tiêu với doanh nghiệp; tổ chức công bố xã Thạnh Lộc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xã Thạnh Lợi đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; phối hợp Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới thành phố rà soát các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn 3 xã Thạnh Tiến, Vĩnh Trinh và Vĩnh Bình. Hướng dẫn và hoàn thiện hồ sơ họp Hội đồng Ðánh giá và Phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đối với 8 sản phẩm của 4 chủ thể đạt 3 sao… Từ nay đến năm 2050, huyện Vĩnh Thạnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp với 4 khu sản xuất ứng dụng công nghệ cao, có tổng diện tích 1.027ha ở các xã Thạnh Lợi, Thạnh Mỹ, Thạnh Quới và Thạnh Tiến; đề xuất quy hoạch xây dựng toàn tuyến kè chống sạt lở, đê bao kênh Cái Sắn, kênh Ðòn Dông; xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại khu vực giáp ranh các tỉnh Kiên Giang, An Giang; tiếp tục xây dựng 44 trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng khu vực chăn nuôi, giết mổ tập trung tại xã phía Bắc kênh Cái Sắn… Bên cạnh đó, địa phương cũng cần ngành Nông nghiệp thành phố sớm nạo vét, khai thông, dự trữ nước ở một số tuyến kênh nhằm đề phòng khô hạn, chống ngập do lũ; nâng cấp các trạm cấp nước và tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư khai thác, liên kết sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp…
Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: Năm 2024, huyện Vĩnh Thạnh tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nông dân sản xuất hàng hóa phải gắn với thị trường, gắn với nhu cầu người sử dụng, sự cần thiết phải liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với các tổ chức nông dân xây dựng vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa chất lượng cao, an toàn thực phẩm, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh. Ðồng thời hoàn thiện hệ thống thủy lợi cho từng khu vực đê bao gắn với phát triển giao thông nội đồng, tạo điều kiện ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, tạo tiền đề cho kinh tế hợp tác phát triển...