Navico sắp phát hành hơn 133 triệu cổ phiếu, trở thành doanh nghiệp cá tra có vốn điều lệ lớn nhất
Công ty cổ phần Nam Việt (Navico - Mã: ANV) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu).
Khối lượng phát hành dự kiến hơn 133 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ thực hiện quyền 100% (cổ đông cứ sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo kiểm toán hợp nhất 2022.
Thời gian dự kiến trong vòng 45 ngày kể từ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận đầy đủ tài liệu phát hành của doanh nghiệp.
Vốn điều lệ sau phát hành sẽ tăng gấp đôi lên mức gần 2.667 tỷ đồng. Con số này sẽ đưa Navico chính thức vượt mặt Vĩnh Hoàn (vốn điều lệ 1.834 tỷ đồng) để đứng đầu công ty cá tra có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán.
Theo báo cáo kinh doanh trong quý III/2023 Navico ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1 tỷ đồng, giảm mạnh 94,8% và 99,1% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Navico thu về hơn 3.328 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 11,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 42,3 tỷ đồng, trong khi 9 tháng đầu năm 2022 đạt 567,2 tỷ đồng, tương đương giảm 92,5% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Navico đạt hơn 5.359 tỷ đồng. Nợ phải trả là 2.375 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn chiếm 2.174 tỷ đồng, nợ dài hạn chiếm 201,6 tỷ đồng.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,6 tỷ USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam năm 2023 đều có xu hướng giảm: Trung Quốc giảm 21,8%, Hoa Kỳ giảm 53,1%, EU giảm 17,2%... Thị trường Đức, Anh, Brazil, Saudi Arabia tăng trưởng dương nhưng đây là những thị trường chiếm tỷ trọng nhỏ.
Mặc dù giảm sâu so với năm 2022 tuy nhiên tính đến thời điểm này so với các năm trước đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2023 vẫn tăng 26% so năm 2021 và tương đương với năm 2020; so với giai đoạn trước dịch năm 2019 chỉ giảm 4%. Điểm khác biệt của năm 2023 chính là chưa thấy dấu hiệu rõ ràng về sự phục hồi ở thời điểm quý 3, 4 là thời điểm mua hàng mạnh của năm..
Theo VASEP, nhu cầu yếu tại các thị trường là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2023 cộng thêm xu hướng giá xuất khẩu giảm liên tục đã khiến cho không chỉ tổng sản lượng mà cả kim ngạch xuất khẩu cá tra liên tục sụt giảm.
Các nhà nhập khẩu cá tra ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, CPTTP... có xu hướng giảm lượng tồn kho thông qua việc giảm nhập khẩu để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước. Một số quốc gia láng giềng đã phát triển sản xuất cá tra nên giảm nhập khẩu từ Việt Nam.
Cá tra là loài cá đặc trưng và được coi là thương hiệu của Việt Nam, từ năm 2015 trở về trước, sản lượng cá tra nuôi tại Việt Nam luôn chiếm trên 99% sản lượng cá tra nuôi của toàn thế giới. Tuy nhiên, một số quốc gia trên thế giới cũng nhìn thấy tiềm năng này và bắt đầu nuôi cá tra như Ấn Độ, Indonesia,... Nhiều nước đang đầu tư và mở rộng diện tích nuôi cá tra, đang đe dọa đến vị thế của Việt Nam đối với loài thủy sản này, Việt Nam đã không còn vị thế “độc quyền” về cá tra.
Theo thông tin tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu (GSMC) diễn ra mới đây, sản lượng cá tra tại Ấn Độ được ước tính trong năm 2023 đạt khoảng 668 nghìn tấn và dự kiến đạt 695 nghìn tấn trong năm 2024, tăng 5% trong năm sau.
Theo sau đó, Indonesia cũng đang bắt đầu có những kết quả rõ rệt từ việc nuôi cá tra. Nước này ước tính năm 2023 sẽ đạt sản lượng hơn 224 nghìn tấn và dự kiến 2024 con số này có thể lên tới 229 nghìn tấn. Sản lượng cá tra ở Trung Quốc cũng đang tăng đáng kể và đang ở mức 400 nghìn tấn mỗi năm. Bangladesh mặc dù tốc độ tăng trưởng lại trì trệ hơn, tuy nhiên sản lượng thu hoạch ước tính cũng đạt gần 500 nghìn tấn, tăng 1% trong năm nay và năm 2024.
Báo cáo tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu (GSMC) nhận định: Năm 2023 được coi là kỉ lục đối với ngành cá tra toàn cầu. Ước tính tổng sản lượng cá tra toàn cầu năm 2023 đạt 3,1 triệu tấn, tăng gần 9% so với 2,9 triệu tấn sản xuất năm 2022.
Dự kiến, năm 2024 sản lượng cá tra toàn cầu sẽ đạt khoảng 3,2 triệu tấn, tăng nhẹ 3% so với năm 2023. Trong đó, Việt Nam đóng vai trò chủ chốt khi sản lượng cá tra năm 2023 chiếm 52% sản lượng toàn cầu. Năm 2024, Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi sản lượng và xuất khẩu cá tra với mức tăng trưởng dự kiến là 3%.
Mặc dù năm 2024 còn nhiều khó khăn thách thức, song ngành cá tra vẫn đề ra mục tiêu sản lượng cá tra thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết từ khâu cung ứng giống, nuôi cá tra thương phẩm đến chế biến, xuất khẩu; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin.