|
  • :
  • :

Năm 2024, kinh tế - xã hội huyện Tháp Mười đạt nhiều kết quả tích cực

UBND huyện Tháp Mười tập trung chỉ đạo các ngành, xã, thị trấn tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ được giao ngay đầu năm, đồng thời thành lập các Đoàn kiểm tra tại các ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn. Qua đó, giúp các ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn phát huy những ưu thế, bổ sung và khắc phục các hạn chế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.


Nông dân xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười áp dụng thiết bị bay điều khiển từ xa để phun thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp

Theo đó, tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn huyện Tháp Mười năm 2024 đạt gần 14.900 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông - lâm - thủy sản ước đạt 5.575 tỷ đồng. Cụ thể: ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn tổ chức cho nông dân gieo sạ theo lịch thời vụ, khuyến cáo sử dụng giống lúa chất lượng cao, áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất. Đẩy mạnh triển khai nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả cao, nhất là Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao. Diện tích xuống giống toàn huyện là 113.132,35ha (đạt 102,76%) so với kế hoạch đề ra, đến nay thu hoạch hơn 112.610ha, năng suất bình quân 70,67 tạ/ha, với giá bán cao nên người dân có lợi nhuận khá.

Ông Nguyễn Văn Hoàng ngụ ấp Mỹ Tây 2, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, cho biết: “Gia đình có hơn 3ha đất sản xuất nông nghiệp, do đất trong ô đê bao khá vững chắc nên tôi sản xuất 3 vụ lúa/năm. Toàn bộ diện tích sản xuất lúa chất lượng cao theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện, có ký kết bao tiêu nông sản. Nhờ giá lúa tương đối khá và ổn định đầu ra, nên những vụ lúa vừa qua, tôi đều có lãi, góp phần cải thiện đáng kể cho cuộc sống gia đình...”.

Huyện Tháp Mười tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) một cách đồng bộ; vận động, củng cố, nâng chất các sản phẩm tham gia OCOP, nhất là hỗ trợ các sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng và hoàn thiện bao bì mẫu mã sản phẩm. Đến nay, toàn huyện Tháp Mười có 46 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 - 4 sao (36 sản phẩm 3 sao, 10 sản phẩm 4 sao), trong đó có 22 sản phẩm có nguồn nguyên liệu từ sen. Trong năm đã thành lập mới 1 Hợp tác xã nông nghiệp Trường Thành (xã Trường Xuân), nâng tổng số toàn huyện lên 23 Hợp tác xã và 1 Chi nhánh Hợp tác xã đang hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012, với tổng số 2.694 thành viên và vốn đăng ký hơn 36 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Tháp Mười hiện có 130 Tổ hợp tác đang duy trì hoạt động tốt trên lĩnh vực bơm nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề thủ công (đan ghế nhựa, sản xuất bánh rế...) góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Năm 2024, chất lượng giáo dục ở ngành học, cấp học của huyện Tháp Mười đảm bảo đánh giá đúng thực chất; thực hiện tốt công tác huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số học sinh, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Chất lượng giáo dục đại trà của các ngành học, cấp học và công tác giáo dục, đào tạo mũi nhọn luôn được chú trọng, nhiều phong trào hội thi đạt thành tích cao ở tốp đầu của tỉnh. Trình độ đào tạo của cán bộ quản lý, giáo viên đạt và vượt chuẩn chiếm gần 99%. Việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia được tập trung thực hiện, công nhận 2 trường (Tiểu học Phú Điền và Mầm non Mỹ Quý 2), công nhận lại 2 trường (Trường THCS thị trấn Mỹ An và Trường Tiểu học Mỹ An 1) đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Đến nay, huyện Tháp Mười có 40/55 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 và mức độ 2 (đạt 72,72%).

Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân từng bước được nâng cao chất lượng, địa phương triển khai nhiều giải pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh mới nổi, tái nổi và hoạt động kiểm soát bệnh tật. Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, từ đó tình hình dịch bệnh được giám sát chặt chẽ, bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng có số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Huyện Tháp Mười tập trung phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Điển hình như: Khu công nghiệp Tân Kiều đã triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng 150ha và thực hiện đầu tư một số hạng mục (trạm xử lý nước thải - giai đoạn 1, tuyến đường gom N2...). Cụm Công nghiệp - Dịch vụ thương mại Trường Xuân có tổng diện tích 93ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 32,33/61,529ha, trong đó có 3 dự án chấp thuận chủ trương cho đấu giá đất, đang thực hiện thủ tục đấu giá với diện tích 8,5ha. Ngoài ra, huyện Tháp Mười thu hút đầu tư 6 dự án được UBND tỉnh ra quyết định cho thuê đất thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn đăng ký gần 542 tỷ đồng.

DŨNG CHINH

Nguồn: http://baodongthap.com.vn/kinh-te/nam-2024-kinh-te-xa-hoi-huyen-thap-muoi-dat-nhieu-ket-qua-tich-cuc-127510.aspx
Tin liên quan
Chưa có thông tin