|
  • :
  • :

Một nghề các doanh nghiệp, trang trại rất "khát", ra trường có việc ngay nhưng các tỉnh ít quan tâm đào tạo

Thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp ở Đông Nam Bộ chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu của HTX và doanh nghiệp (DN). Việc củng cố lại mối quan hệ hợp tác giữa các đơn vị đào tạo và DN đang đặt ra rất bức thiết.

Đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của HTX, DN

Nguyễn Hồng Quyết – Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (huyện Phú Giáo, Bình Dương) kể, năm 2015, từ khu vườn dưa lưới đầu tiên, ông mở rộng thêm 4 vườn nữa. Nhưng trong số bốn vườn này, chỉ một vườn do người nhà chăm sóc nên có lời. Các vườn khác khoán hết công việc cho nhân công nên hiệu quả kém. Bản thân ông không thể quản lý hết khâu kỹ thuật trên diện tích lớn nên thua lỗ rất nhiều.

Năm 2016, ông thu gọn sản xuất, thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long và tập trung và việc huấn luyện kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất theo tiêu chuẩn cho các thành viên. Từ đó, HTX thu mua lại sản phẩm chất lượng đồng đều, với sản lượng lớn giúp doanh thu tăng trưởng đều.

Đông Nam Bộ thiếu nhân lực nông nghiệp chất lượng cao - Ảnh 1.

Trồng dưa lưới ở HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (Bình Dương). Ảnh: Nguyên Vỹ

Lao động nông nghiệp Đông Nam Bộ có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2011-2020, lao động nông lâm thủy sản của vùng giảm mạnh, từ 1,24 triệu người (năm 2011) còn 778.000 năm 2020, tương ứng giảm trung bình 46.700 người/năm (nguồn Bộ NNPTNT).

Theo ông Quyết, hiệu quả này cũng cho thấy tầm quan trọng rất lớn trong việc đào tạo nghề nông nghiệp ở nông thôn. Khi nông dân nắm vững kỹ thuật, họ làm chủ được quy trình sản xuất và đảm bảo hiệu kinh doanh. 

"Chất lượng nghề nông nghiệp ở Bình Dương hiện không đồng đều. Việc đào tạo nghề chưa được nhiều lao động quan tâm. Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm nhân lực để phát triển HTX" - ông Quyết nói.

Ở góc độ DN, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết, yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước với sản phẩm ngày càng cao. DN phải có nguồn lao động chất lượng, am hiểu quy trình vận hành máy móc công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như ISO, HACCP. 

Tuy nhiên, nguồn lao động có chất lượng của các DN ngành chế biến thực phẩm còn thấp. Công tác đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến nông nghiệp hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng và kỳ vọng của DN. Nhiều DN không thể sử dụng sinh viên ra trường ngay mà cần phải đào tạo lại. Trong khi nhu cầu về đội ngũ nhân lực này ngày càng tăng.

"Việc củng cố lại mối quan hệ hợp tác giữa các đơn vị đào tạo và DN trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm là rất thiết hiện nay" - bà Chi nói.

Điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp thực tế

Ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở NNPTNT Bình Dương cho biết, số lượng sinh viên của tỉnh Bình Dương sau khi tốt nghiệp phổ thông, có nguyện vọng đăng ký theo học chuyên ngành nông, lâm, ngư nghiệp còn hạn chế so với các ngành nghề khác. 

Tỉnh có 8 trường đại học nhưng chưa có trường nào đào tạo tập trung chuyên ngành về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Sở NNPTNT Bình Dương muốn tuyển công nhân viên chức cũng phải tuyển từ nguồn sinh viên thuộc Trường Đại học Nông lâm TP.HCM là chủ yếu.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực nông nghiệp trong thời gian tới, ông Bông cho rằng, cần điều chỉnh các chương trình đào tạo phù hợp điều kiện thực tế hiện nay và có sự liên kết giữa DN và các đơn vị đào tạo.

Theo Bộ NNPTNT, số lao động nông nghiệp Đông Nam Bộ có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua. Nguyên nhân cho sự sụt giảm này là do lao động đã di cư ra khỏi nơi sinh sống để tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, đô thị của các khu vực khác. Chất lượng của lao động nông nghiệp của Đông Nam Bộ nhìn chung còn thấp. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở chỉ đat 7,4%.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, trường học và DN có mối quan hệ mật thiết trong đào tạo nhân lực. Các trường phải có sẵn sản phẩm đào tạo để chào hàng với DN. "Các DN cũng không thể phó thác cho nhà nước, cho các trường. Bản thân DN cũng phải hợp tác với các trường để đầu tư nguồn nhân lực có tầm dài hạn" - Bộ trưởng đề nghị. 

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/mot-nghe-cac-doanh-nghiep-trang-trai-rat-khat-ra-truong-co-viec-ngay-20230807170847081.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin