Chị Linh thu hoạch nấm trồng trong nhà.
Dẫn chúng tôi tham quan trại nấm được chia thành 48 nhà trồng, với những hàng kệ sắt, rơm được chất đầy trên các kệ. Có phòng mới vừa trồng, nấm mọc chi chít, có phòng đang cho thu hoạch… nhờ đó giúp hai vợ chồng chị thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu, mỗi ngày đều có nấm bán.
Chị Linh cho biết, để có cơ ngơi như hiện tại, hai vợ chồng chị trải qua nhiều thử thách, đôi lúc chùn bước nhưng nhờ sự kiên trì nên từng bước vượt qua. Hai vợ chồng chị đều tốt nghiệp đại học ở TP Hồ Chí Minh. Đầu năm 2013, cả hai quyết định khởi nghiệp khi góp vốn 30 triệu đồng từ tiền làm thêm cùng nhóm bạn bắt tay trồng rau sạch. Tuy nhiên, mô hình đi vào hoạt động chưa đầy một năm thì “đứt gánh” vì làm ăn không hiệu quả. Sau đó, chị chuyển sang bán hoa tươi, tích cóp được một ít vốn để tiếp tục đầu tư trồng rau và lại gặp thất bại vì rau bán ế ẩm.
Thấy công việc ở thành phố khó khăn, chán cảnh phố thị, hai vợ chồng quyết định khăn gói về quê ở huyện Tân Hồng để thử trồng nấm rơm. Bằng kiến thức đã học cả hai không trồng theo cách truyền thống trước đây ở địa phương là trồng ngoài trời mà đưa vào nhà để trồng. “Về quê nhận thấy quy trình trồng nấm ngoài trời của nông dân còn nhiều rủi ro. Từ kinh nghiệm học được, kết hợp kiến thức trên giảng đường, vợ chồng tôi mày mò, tìm lời giải một cách khoa học, đúc kết thành quy trình để đưa nấm vào trồng trong nhà mà không sợ chuyện nắng, mưa”, chị Linh kể.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, với 25 cuộn rơm xin từ ông bà, hai vợ chồng đem ủ trồng nấm rơm hữu cơ. Tuy nhiên, do làm sai công thức, vợ chồng chị rút kinh nghiệm, không làm kệ mà dựng chòi ủ 14 cuộn rơm còn lại. Lần này, thu hoạch được gần 40kg nấm, lãi hơn 2 triệu đồng. Từ số vốn ít ỏi, vợ chồng chị đầu tư mua sắt hàn kệ, còn lại mua rơm để sản xuất vụ mới.
Nhờ kiên trì, làm việc nghiêm túc, lặn lội đến các trại nấm để học hỏi, vợ chồng chị tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn, từ số kệ nấm ít ỏi tăng dần theo cấp số nhân. Sau khi thu nhập tăng, vợ chồng chị quyết định dựng nhà trồng nấm. Để sản xuất ổn định, hiệu quả, năm 2023, vợ chồng chị Linh quyết định đầu tư vốn lớn, xây nhà kiên cố rộng 1.500m2 để trồng nấm. Khu nhà được chia thành 48 phòng, trang bị đủ giá trồng, đèn điện, quạt gió, máy sưởi, máy phun sương. “Trồng nấm rơm quan trọng nhất là nhiệt độ và ẩm độ phải chính xác. Thực hiện theo quy trình, mỗi mẻ nấm cho ra đúng số lượng và chất lượng đồng đều”, chị Linh cho biết.
Để ngày nào cũng có hàng giao cho khách, mỗi ngày vợ chồng chị Linh luân phiên vào rơm chỉ 3 phòng. Cùng lúc đó, 3 phòng trồng khác đã có nấm thu hoạch. Nắm chắc kỹ thuật nên cả hai đều tự tin kiểm soát sản lượng và chất lượng sản phẩm. Mỗi vụ nấm tại trại thường kéo dài khoảng 30 ngày với các công đoạn: ủ rơm, đưa vào phòng, thanh trùng bằng hơi nước, cấy giống, ủ tơ, xả tơ, chăm sóc và thu hoạch. Trong đó khâu khó nhất khi sản xuất nấm là xử lý rơm nguyên liệu đầu vào.
Thành công bước đầu, họ dự kiến sẽ chuyển giao quy trình này cho những nông dân có nhu cầu, ký kết thu mua để chế biến nấm theo quy mô công nghiệp. Cả hai mong muốn mỗi huyện trong tỉnh có ít nhất một nhà tường trồng nấm. Điều này giúp nông dân thêm thu nhập từ phụ phẩm rơm, không phải đốt bỏ gây lãng phí.