Với 4.000 m2 trồng dâu tây theo chuẩn VietGap, anh Phạm Đức Anh có lợi nhuận từ 400 triệu đồng - 500 triệu đồng. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN
Đang vào thời điểm chính vụ, vườn dâu tây của gia đình Đức Anh luôn nhộn nhịp, tất bật người thu hoạch, cung cấp cho thương lái. Để có được vườn dâu tây đạt năng suất, chất lượng cao, quả to, mẫu mã đẹp, Đức Anh đã tốn rất nhiều công sức, tâm huyết. Toàn bộ đất trồng dâu tây của gia đình trước đây vốn là đất đồi, dốc trồng mận, trồng ngô. Hơn nữa, Phiêng Khoài là xã biên giới, giáp ranh với nước bạn Lào, thời tiết khí hậu khô, nóng, đôi khi xuất hiện mưa đá, sương muối.
Phạm Đức Anh mạnh dạn phát triển mô hình trồng mận từ năm 2013, vừa làm, vừa học hỏi nên gặp không ít khó khăn. Với quyết tâm và nỗ lực vươn lên, đến nay diện tích mận của gia đình đạt gần 1 ha. Không hài lòng với thu nhập từ vườn mận, năm 2020, sau khi đi tham quan mô hình trồng dâu tây đạt hiệu quả kinh tế cao ở tiểu khu Thống Nhất, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Đức Anh đã quyết tâm học tập, áp dụng sản xuất dâu tây theo tiêu chuẩn VietGap, trồng xen canh với diện tích mận.
Anh Phạm Đức Anh thu hoạch dâu tây để cung cấp ra thị trường. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN
Mới khởi nghiệp, Đức Anh gặp nhiều khó khăn về vốn, cây giống, đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc dâu tây. Do đó Đức Anh đã dành nhiều thời gian lên các trang mạng, kênh thông tin học tập cách trồng dâu tây và đi tham quan những mô hình có hiệu quả. Để cây dâu tây phát triển tốt, không bị sâu bệnh, đạt năng suất, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, theo Đức Anh đầu tiên phải rắc vôi khử phèn chua, xử lý đất ở mức độ PH ổn định. Sau đó, lên luống cao để cây dâu không bị úng nước, đất được ủ phân chuồng, trộn lân NPK trong vòng 2 tháng-3 tháng và chọn cây giống chất lượng tốt để trồng. Bên cạnh đó, phải trải ni-lông lên trên mặt luống, phủ bên ngoài gốc cây vừa có tác dụng giữ độ ẩm vừa tạo ngăn cách quả với đất cho sạch và hạn chế được sâu bệnh gây hại quả. Sau 7 ngày - 10 ngày trồng sẽ tưới các loại phân cao cấp 1 lần…; tuyệt đối không sử dụng hóa chất độc hại từ khi trồng đến lúc thu hoạch xong.
Từ 2 năm nay, Đức Anh duy trì trồng 1 ha mận và 4.000m2 dâu tây, với hệ thống tưới ẩm, tưới nhỏ giọt được đầu tư bài bản, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật; một vụ/năm sản lượng đạt 15 tấn - 20 tấn quả, thu từ 600 triệu đồng - 700 triệu đồng, lợi nhuận từ 400 triệu đồng - 500 triệu đồng. Dâu tây của gia đình Đức Anh được thương lái tin tưởng và ký kết hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ. Mặc dù kết quả mới chỉ bước đầu nhưng là động lực thúc đẩy khát vọng làm giàu của Đức Anh thành hiện thực.
Thu hoạch dâu tây ở vườn của anh Phạm Đức Anh, bản Thanh Yên 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La để cung cấp ra thị trường. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN
Theo Phạm Đức Anh hiện gia đình anh vẫn còn nhiều diện tích đất trống. Vì vậy, dự kiến năm 2023 gia đình sẽ mở rộng lên khoảng 1,5 - 2 ha cây dâu tây. Với giá bán và đạt sản lượng như hiện nay sẽ cho thu lãi hơn 1,5 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho 15 - 20 lao động địa phương.
Hiện, Phạm Đức Anh đã sản xuất, nhân giống cây dâu tây để cung cấp ra thị trường tại một số địa phương như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương. Đặc biệt, Đức Anh nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ, cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch dâu tây cho người dân và đoàn viên thanh niên trong xã. Với việc có đầu ra, giá bán ổn định, nhiều nông hộ đã có thu nhập cao và sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng, tăng thu nhập trong thời gian tới.
Anh Phạm Đức Anh chia sẻ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dâu tây với đoàn viên thanh niên xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phiêng Khoài Trần Trung Hiếu cho hay Phạm Đức Anh là thanh niên đầu tiên trong xã triển khai mô hình trồng dâu tây. Mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây trồng khác. Cây dâu tây phát triển tốt, phù hợp với điều kiện, khí hậu tại địa phương. Ngoài ra, cây có thể trồng xen canh dưới tán mận để tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Năm 2022, anh Phạm Đức Anh đã chuyển giao số lượng lớn cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho một số đoàn viên, thanh niên trong xã để cùng nhau phát triển kinh tế.
Dám nghĩ, dám làm đã giúp đoàn viên Phạm Đức Anh có những thành công nhất định trên con đường lập thân, lập nghiệp; đồng thời, tạo động lực cho nhiều người dân và đoàn viên, thanh niên của địa phương phát triển, khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.