|
  • :
  • :

Mô hình hội quán nông dân tại Đồng Tháp mang lại lợi ích thiết thực 

Từ hội quán nông dân đầu tiên là Canh Tân Hội quán được thành lập tại huyện Châu Thành vào năm 2016, đến nay tỉnh Đồng tháp đã có 145 Hội quán. Mô hình hội quán đã và đang đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tại tỉnh và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

“Ngôi nhà chung” cho nông dân

Hội quán phát huy tốt vai trò tập hợp thành viên, vận động đổi mới tư duy làm kinh tế nông nghiệp, đến công tác khuyến học, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh -trật tự, xã hội tại địa phương. Hội quán là “ngôi nhà chung” của nông dân, cầu nối và cũng là nơi gắn kết nông dân lại với nhau, tạo sức mạnh chung và phát huy giá trị cộng đồng. Thông qua mô hình hội quán đã tập hợp sức mạnh của cộng đồng, tính năng động, sáng tạo của nhân dân cả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Theo ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Hội quán Tâm Quê ở TP Cao Lãnh, hội quán được thành lập tháng 10-2017, với 47 thành viên và đến nay đã nâng lên 64 thành viên. Hội quán đã tập hợp những người dân cùng ngành nghề sản xuất, cùng chung một lợi ích “tự nguyện, tự lực, tự quản” để cùng hợp tác trong cuộc sống hàng ngày, tiến tới hợp tác với nhau trong sản xuất kinh doanh.

Các sản phẩm nông sản của các hội quán trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được trưng bày, giới thiệu tại “Ngày hội Hội quán Đất sen hồng lần thứ I năm 2023” do tỉnh Đồng Tháp tổ chức tại TP Cao Lãnh hồi tháng 11-2023.

Qua 7 năm hình thành và phát triển, hiện Đồng Tháp đã có 145 Hội quán, với hơn 7.580 thành viên. Có 127/143 xã, phường, thị trấn tại tỉnh đã có ít nhất 1 mô hình Hội quán. Hội quán tham gia đa dạng hoạt động sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh đa ngành nghề. Đặc biệt, từ nền tảng của hội quán đã thành lập mới 38 hợp tác xã (HTX), mở ra hướng đi mới theo mô hình kinh tế tập thể. Mô hình hội quán nông dân tại Đồng Tháp đã khẳng định mang lại nhiều hiệu quả thiết thực và có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế hợp tác và nâng cao hiệu quả nông nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành ở huyện Châu Thành, cho biết: “Xuất phát từ tiền thân là hội quán, HTX sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành  đã được ra đời và hiện có hơn 200 thành viên. Nhờ sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và quan tâm liên kết với các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra mà các loại nông sản của HTX đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính với giá bán cao. Nông dân tại HTX giảm được nhiều chi phí, năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm đều tăng cao, từ đó lợi nhuận cũng được nâng cao”. Cũng theo ông Bình, đa phần các thành viên của HTX vốn trước đây là thành viên của Hội quán nên có ý thức rất cao trong việc tự nguyện liên kết, hợp tác trong sản xuất nhằm đạt hiệu quả cao. Hiện HTX có 800ha trồng nhãn và hơn 180ha nuôi trồng thủy sản. Nếu trước đây, nông dân thường tập trung cho nhãn ra trái theo một mùa vụ trong năm, với năng suất chỉ đạt 10-15 tấn/ha, thì nay đã cùng nhau hợp tác sản xuất rải vụ quanh năm để bán được giá cao và năng suất nhãn đạt 20-25 tấn/ha nhờ tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật.

Nhân rộng

Đồng Tháp đã có 109 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt 94,78%, vượt 4,78% so với chỉ tiêu đến năm 2025. Ước tính đến cuối năm 2023, tỉnh sẽ có  115/115 xã đạt chuẩn NTM, 36 xã NTM nâng cao, 2 xã đạt NTM kiểu mẫu. Bên cạnh cây trồng chủ lực là lúa, nhiều địa phương trong tỉnh đã khai thác thế mạnh cây ăn trái, hoa kiểng, thủy sản và làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập của người dân trên cùng một diện tích đất. Tỉnh đã có 357 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao... Kết quả này là nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân, trong đó có vai trò của hội quán - một thiết chế cộng đồng với mô hình tự nguyện, tự quản.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, mô hình hội quán đã phát huy tối đa hiệu quả tập hợp nông dân, ngồi lại với nhau cùng thay đổi tư duy, thay đổi cách làm ăn từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang hợp tác cùng nhau và liên kết với doanh nghiệp để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn. Trong những năm qua, nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đã giữ vững vai trò nền tảng của nền kinh tế, với mức tăng trưởng trên 4,5%/năm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, duy trì tốc độ tăng trưởng khá ở khu vực ĐBSCL và cả nước. Theo ông Chang Dong Hee, Chủ tịch Quỹ toàn cầu Saemaul (SGF), tinh thần của mô hình hội quán tỉnh Đồng Tháp rất giống phong trào Làng mới Saemaul Undong ở Hàn Quốc, đó là “cần cù, hợp tác, tự lực”. Đây là một mô hình khá độc đáo, được lên kế hoạch và quản lý rất tốt, là công cụ để có thể thay đổi bộ mặt nông thôn. Để hội quán có sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần có sự hỗ trợ đồng hành, định hướng của chính quyền địa phương, đồng thời xây dựng những bảng tiêu chuẩn, quy chế để đánh giá cụ thể mức độ thành công của hội quán. Tăng cường đào tạo tập huấn không chỉ cho thủ lĩnh, lãnh đạo của hội quán mà còn cho các cán bộ nhà nước, những người trực tiếp tham gia cùng với bà con nông dân. Quan tâm áp dụng công nghệ khoa học phù hợp với từng hoàn cảnh của từng địa phương.

Với nhiều hiệu quả thiết thực mà hội quán tại Đồng Tháp đã mang lại cho phát triển nông nghiệp và kinh tế - xã hội tại địa phương, nhiều chuyên gia cho rằng, tới đây cần phát huy, nhân rộng mô hình này. Ngành chức năng cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động cho các hội quán. Tạo điều kiện để hội quán tăng cường các hoạt động cộng đồng, phát huy sức mạnh tập thể thông qua đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để tăng cường kết nối, mở rộng liên kết, phát triển sản xuất kinh doanh.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/mo-hinh-hoi-quan-nong-dan-tai-dong-thap-mang-lai-loi-ich-thiet-thuc-a168025.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin