Hội viên CCB huyện Nam Đông phát triển kinh tế vườn đồi
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, CCB Trịnh Huy Sơn, 72 tuổi, ở thị trấn A Lưới, đã đầu tư mở rộng trồng thêm 1ha sâm Bố Chính và chăn nuôi gà, vịt trời. Nắm chắc kỹ thuật trồng trọt, chịu khó chăm sóc, đến nay, vườn sâm đã phát triển tốt, trang trại chăn nuôi cũng đã cho thu nhập ổn định.
Không chỉ làm giàu cho mình mà CCB Trịnh Huy Sơn còn chia sẻ kinh nghiệm, tích cực hướng dẫn các hội viên CCB trồng sâm Bố Chính. "Đây là mô hình mới, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Nếu biết cách chăm sóc, nhân rộng, thì hiệu quả mang lại sẽ rất lớn. Tôi hy vọng, hướng đi này, giúp tôi và nhiều hội viên cũng như bà con đồng bào A Lưới vươn lên, phát triển kinh tế", CCB Trịnh Huy Sơn chia sẻ.
"Hoa tươi bốn mùa, rau sạch quanh năm" của CCB Lê Chiên ở thị trấn A Lưới cũng là mô hình phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao.
Ông Lê Anh Miêng, Chủ tịch Hội CCB huyện A Lưới cho biết: Các cấp hội đã tổ chức, động viên CCB nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và nâng cao đời sống. Nhiều hội viên năng động, sáng tạo trong hoạt động SXKD, góp phần tích cực vào thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Hội CCB huyện A Lưới có 35 mô hình làm kinh tế các loại, giải quyết công ăn, việc làm thường xuyên cho hàng trăm người lao động, chủ yếu là hội viên CCB, con em Hội CCB và gia đình chính sách, có lương bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng. 100% xã, thị trấn có tổ tiết kiệm và vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện, với tổng dư nợ là 45 tỷ đồng. Các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Bên cạnh đó, có 60 hội viên nghèo được vay vốn làm kinh tế từ nguồn quỹ của hội với lãi suất thấp hoặc không lãi.
Không những giúp nhau phát triển kinh tế, Hội CCB các cấp đã làm tốt công tác từ thiện, đền ơn, đáp nghĩa, hàng năm tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người có công với cách mạng và hội viên nghèo trong những ngày tết, lễ.
Là một huyện miền núi, điều kiện khí hậu không mấy thuận lợi, nên khi xuất ngũ về địa phương, các CCB ở huyện Nam Đông gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hội viên CCB đã vượt khó, phát huy tiềm năng đất đai có sẵn cùng vốn vay ưu đãi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi. Các CCB đã xây dựng được các mô hình vườn, ao, chuồng, rừng có hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu của Nam Đông như cam, chuối, cau, dứa… Nhờ đó, trong tổng số 973 hộ gia đình CCB có 681 hộ khá, giàu…
Hiện, 236 tổ vay vốn ủy thác vẫn hoạt động rất hiệu quả, có hơn 8 ngàn gia đình hội viên được tiếp cận với nguồn vốn vay, dư nợ gần 326 tỷ đồng. Ngoài ra, có hơn 2 ngàn hội viên vay vốn ưu đãi từ các đoàn thể cũng đang phát triển kinh tế hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Toàn tỉnh có hơn 1 ngàn hội viên đầu tư trồng được 5 ngàn ha rừng, chủ yếu là rừng kinh tế; trồng cây ăn quả, cây đặc sản, cây nguyên liệu, cây cảnh… thu hút gần 1.300 lao động địa phương. Hội viên CCB toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 811 cơ sở SXKD tổng hợp, du lịch, thủ công mỹ nghệ, 28 trang trại, 155 gia trại… Trong đó, 357 hộ có thu nhập từ 100 triệu/năm trở lên, 8 hộ có thu nhập từ 1 tỷ/năm…
Ông Lê Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Hội sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho các hội viên và nhân rộng, kịp thời tuyên dương các điển hình để các CCB cùng nhau phấn đấu vươn lên, phát triển kinh tế. Cùng với các nguồn vốn vay ưu đãi, Hội tích cực vận động các cấp hội thành lập các nguồn quỹ để giúp đỡ cho các hội viên nghèo vay vốn không lãi suất, phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện đời sống, từ đó từng bước đi lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.