|
  • :
  • :

Lúa đông-xuân được mùa, được giá

Vụ đông-xuân 2023-2024, huyện Bố Trạch sản xuất hơn 5.088ha lúa. Nhờ gieo trồng đúng thời vụ, chăm sóc đúng kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh kịp thời… nên năng suất lúa đạt cao so với cùng kỳ năm trước.

Vụ đông-xuân 2023-2024, xã Bắc Trạch gieo trồng 227ha lúa, với cơ cấu các giống lúa chủ lực là: IR353-66, ST25, QS88, HN6… Nhìn chung, các trà gieo đều thuận lợi nên cây lúa phát triển tốt, đạt năng suất 63,5 tạ/ha. So với các năm trước, đây là vụ sản xuất lúa được mùa.

Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch Nguyễn Văn Vui cho biết: “Để đạt được kết quả đó, UBND xã đã chỉ đạo các thôn triển khai kế hoạch gieo trồng đúng thời vụ; thường xuyên chỉ đạo điều hành nước tưới tiêu. Quá trình sinh trưởng của cây trồng và tình hình sâu bệnh, chuột hại… đều được xã theo dõi chặt chẽ và hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng trừ cho bà con nông dân. Do đó, mặc dù vẫn có một số diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh, gãy đổ do mưa nhưng về cơ bản, vụ lúa đông-xuân này cho năng suất cao, giá bán tăng nên bà con nông dân rất phấn khởi”.

Nông dân tập trung phơi lúa.

Nông dân tập trung phơi lúa.

Để tăng năng suất, chất lượng cho cây lúa, vụ đông-xuân năm nay, huyện Bố Trạch đã đẩy mạnh sử dụng các giống: ST25, QS88, VNR20, VN20, Bắc Thịnh… Nhằm bảo đảm kế hoạch gieo trồng, ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ cày ải, diệt chuột; chủ động xây dựng kế hoạch phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng.

Bên cạnh đó, toàn huyện thực hiện trên 300ha diện tích lúa cánh đồng lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các hộ dân xã: Đại Trạch, Trung Trạch, Tây Trạch, Hạ Trạch, Bắc Trạch với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình; liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các hộ dân xã Mỹ Trạch với Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh nấm sạch và rượu Xuân Hưng. Huyện cũng quan tâm, đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2024, huyện đã triển khai thực hiện mô hình ứng dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của huyện, các địa phương đã chủ động hỗ trợ trực tiếp cho người dân áp dụng giống lúa mới trong sản xuất; đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết, nhìn chung, vụ đông-xuân 2023-2024, các địa phương đã bám sát khung lịch thời vụ, bố trí cơ cấu bộ giống lúa đúng định hướng; chỉ đạo tốt công tác phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây trồng, đặc biệt ở những vùng có mật độ, tỷ lệ hại cao. Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận đạt trên 80% diện tích. Đồng thời, việc đưa vào sử dụng các bộ giống lúa mới chất lượng cao đã giúp nâng cao năng suất và tăng khả năng chống chịu đổ ngã, sâu bệnh hại trên cây lúa… Nhờ đó, năng suất lúa đạt 58,6 tạ/ha, đạt 102,7% kế hoạch, tăng 0,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, do thời tiết khô hạn kéo dài, một số diện tích lúa và hoa màu không chủ động được nước tưới nên bị mất trắng, làm giảm năng suất, sản lượng cây trồng. Chi phí sản xuất trong nông nghiệp còn cao, đặc biệt giá máy gặt lúa tăng lên khá cao ở một số địa phương, gây khó khăn cho bà con nông dân…

Năng suất lúa đông-xuân 2023-2024 trên địa bàn huyện Bố Trạch đạt cao hơn so với cùng kỳ.

Năng suất lúa đông-xuân 2023-2024 trên địa bàn huyện Bố Trạch đạt cao hơn so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Cẩm Long cũng cho biết, theo kế hoạch, vụ hè-thu năm nay, huyện sẽ gieo trồng 2.100ha lúa. Nhằm hạn chế rủi ro do lũ lụt cuối vụ, ngay sau khi hoàn thành thu hoạch lúa đông-xuân, huyện đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ hè-thu càng sớm càng tốt; thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Chủ tịch UBND huyện về việc tăng cường các biện pháp chống bỏ hoang đất lúa trong vụ hè-thu 2024. Sử dụng linh hoạt đất lúa để vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân; hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây có năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với điều kiện các vùng hạn nước, như: Vừng, đậu xanh, dưa hấu, ngô sinh khối…

Các địa phương tập trung tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng và tổ chức các đợt ra quân đồng loạt tiêu diệt chuột, ốc bươu vàng, vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo. Làm tốt công tác dự báo và phòng trừ kịp thời, không để sâu bệnh phát sinh thành dịch, gây hại trên diện rộng, đặc biệt sâu bệnh gây hại trên lúa hè-thu; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy tiềm năng và lợi thế từng vùng...

Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202405/lua-dong-xuan-duoc-mua-duoc-gia-2218265/