|
  • :
  • :

Lợi thế của người trẻ làm nông nghiệp

Với lợi thế về sức trẻ và kiến thức, thêm sự năng động và nhạy bén nên những mô hình nông nghiệp do người trẻ làm chủ được đầu tư và thực hiện khoa học, bài bản. Hiệu quả kinh tế và giá trị sản phẩm vì thế cũng cao hơn so với phương thức làm nông nghiệp truyền thống.

Nhiều năm bôn ba trải nghiệm công việc ở nhiều môi trường, tích lũy không ít kinh nghiệm lẫn kỹ năng, nhưng rồi năm 2020, anh Trần Quốc Tú, ở thôn An Hòa Nam, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) lại rẽ lối trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Đó là quyết định ở lại quê để... trồng cỏ nuôi bò. Anh Tú cho biết, tôi đã đắn đo cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định bám trụ quê hương để làm nông. Vậy nên trước đó, tôi dành khá nhiều thời gian đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất trồng trọt lẫn chăn nuôi. Sau cùng, tôi chọn nuôi bò vỗ béo.

Lợi thế của người trẻ làm nông nghiệp - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi hiện đại của anh Trần Quốc Tú, ở thôn An Hòa Nam, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa).

Thay vì chăn nuôi bò lông vàng như số đông, anh Tú chọn bò 3B - giống bò được ví như “cỗ máy sản xuất thịt”. Anh Tú đầu tư xây dựng và sắp xếp các chuồng nuôi một cách khoa học. Khẩu phần ăn của bò cũng được anh Tú tính toán phối trộn theo công thức riêng, kết hợp giữa cỏ V06, cỏ voi xanh Đài Loan thô và chế biến (ủ chua) với các loại thức ăn tinh. Bò 3B tiêu thụ lượng thức ăn lớn, nên ngoài việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp, anh Tú đầu tư máy nghiền cỏ và tạo bánh cỏ. Đồng thời, xây dựng kho chế biến ủ cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn trong mùa mưa. Được chăm sóc kỹ, bò tăng trưởng nhanh, sản lượng thịt rất cao. Từ 5 con bò ban đầu, sau 2 năm đến nay, đàn bò 3B của anh Tú đã lên con số 25, lúc cao điểm trên 30 con. Giá bò 3B ổn định ở mức cao, sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh Tú thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Còn anh Phạm Hùng Cường, ở xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) cũng rẽ lối với nghề nuôi thỏ, trồng măng tây từ năm 2019. Với 6 triệu đồng ban đầu, anh Cường đầu tư 1 cặp thỏ và vài bụi măng tây. Quá trình nuôi thỏ và trồng măng tây, anh Cường bị thôi thúc bởi chuyện làm thế nào để tái sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm theo hướng tuần hoàn khép kín? Sau nhiều lần thử nghiệm, anh Cường đã tìm được công thức “cộng sinh” giữa nuôi thỏ và trồng măng tây: Phân thỏ sau khi được xử lý sẽ dùng để bón cho măng tây. Măng tây “ăn” phân vi sinh nên xanh mướt, phần ngọn dùng để bán thương phẩm, phần gốc làm thức ăn cho thỏ. Sự “cộng sinh” này vừa xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Song, hạn chế của măng tây tươi là hạn sử dụng ngắn, bảo quản khó. Vậy là, anh Cường và những người bạn lại mày mò học hỏi, tìm hiểu và ứng dụng quy trình chế biến măng tây bằng hệ thống sấy lạnh. Điều này không chỉ khắc phục vấn đề “khó bảo quản” của măng tây, mà còn nâng cao giá trị và tính thẩm mỹ của sản phẩm. Qua những đợt bán thử nghiệm, sản phẩm được đánh giá tích cực và ngày càng có nhiều khách hàng đón nhận, đặt mua số lượng lớn.

Vượt qua khó khăn, anh Cường cùng những người bạn của mình đã chứng minh thực lực của người trẻ qua 21 trang trại nuôi thỏ ở khắp các địa phương trong tỉnh. Qua đó, cung ứng các sản phẩm thỏ tươi 1 tấn/tuần, măng tây tươi 200kg/ngày tại thị trường Quảng Ngãi, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, sản phẩm thỏ bách thảo và măng tây hữu cơ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Trong khi đó, anh Đỗ Quý Nam, ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) cũng gặt hái những kết quả đáng khích lệ qua mô hình nuôi gà đẻ trứng. Nhận thấy trứng gà là mặt hàng được người tiêu dùng tiêu thụ thường xuyên, trong khi nguồn cung nhỏ lẻ, hầu hết phải nhập từ các địa phương và đơn vị ngoài tỉnh. Nghĩ vậy, vợ chồng anh Nam cùng bàn nhau nuôi gà đẻ trứng, với quy mô ban đầu là 500 con theo phương châm “chậm mà chắc”. Mô hình phát triển thuận lợi, anh Nam dần mở rộng quy mô đàn gà lên 5.000 con (trong đó có gần 2.000 con đẻ trứng) và đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng tuần hoàn khép kín. Các khu chuồng trại được đầu tư xây dựng kiên cố, rộng thoáng. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vệ sinh môi trường bảo đảm nên đàn gà của gia đình Nam phát triển tốt, mỗi ngày đẻ trên 1.500 quả trứng. Không chỉ thu lợi từ trứng, gia đình anh Nam còn cung cấp gà giống, gà thương phẩm cho thị trường.

Anh Nam cho biết, bây giờ làm nông nghiệp là phải biết tận dụng lợi thế của khoa học công nghệ để giảm sức lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, ngoài nhiệt huyết thì mỗi người cần phải chịu khó học hỏi, lựa chọn cách tiếp cận mới và phù hợp với điều kiện để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, gắn với đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế của gia đình với môi trường.

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/loi-the-cua-nguoi-tre-lam-nong-nghiep-20230207113722609.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin