Theo Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, mít là loại cây ăn quả được trồng khá phổ biết tại Việt Nam. Trong y học cổ truyền mít nhiều dược tính chữa bệnh. Điều đặc biệt là gần như tất cả các bôh phận của cây từ lá, quả chín, quả non, vỏ, nhựa đến gỗ đều được dùng là thuốc chữa bệnh.
Múi mít (phần thịt bên trong quả mít) vị ngọt, mùi thơm, hơi chua. Đây là vị thuốc quy kinh: Tỳ, Vị. Tác dụng: Kiện tỳ, ích khí, làm đẹp, khỏi phiền khát, giải rượu.
Hạt mít theo y học cổ truyền vị bùi, ngon, quy kinh: Tỳ, Vị. Hạt mít được dùng làm thuốc bổ trung ích khí, mạnh sức, nhẹ mình, hạ khí, thông trung tiện. Trong hạt mít có chất men ức chế men tiêu hóa trong ruột nên ăn mít dễ bị đầy hơi, trung tiện.
Lá mít theo kinh nghiệm dân gian được dùng để giúp tăng việc tiết sữa. Chủ trị: Phụ nữ sau sinh ít sữa lấy lá mít nấu nước uống.
Quả mít non cũng tương tự như lá mít có tác dụng tăng việc tiết sữa cho phụ nữ sau sinh.
Gỗ mít ngoài dùng để làm các vật dụng trong nhà, trong y học cổ truyền gỗ có tác dụng giải độc, tiêu sưng. Chủ trị: Sưng tấy, mụn nhọt
Nhựa cũng là vị thuốc quý giúp giải độc, tiêu sưng. Chủ trị: Sưng tấy, mụn nhọt.
Lương y Sáng chia sẻ một số bài thuốc hay từ cây mít như sau:
- Mạnh tỳ vị, làm giã rượu: Múi mít chín, lượng tuỳ dùng, ăn trực tiếp giúp giải say rượu.
- Kiện tỳ, chống đầy bụng: Hạt mít lương đủ dùng luộc, rang, nướng ăn.
- Ăn không tiêu: Hạt mít sao vàng 20g, Mộc hương 12g. Sắc uống 1 thang/ngày.
- Lá mít: Chữa phụ nữ sau đẻ ít sữa dùng lá mít tươi 40g, sắc uống 1 thang/ngày. Hoặc dùng lá mít tươi 40g, hạt cây gạo sao 15g sắc uống 1 thang/ngày.
- Quả mít non giúp tăng sữa sau sinh: Mít non 1 quả, móng giò lợn 3 chiếc, gạo nết vừa đủ. Tất cả các nguyên liệu cho vào nấu cháo ăn.
- Gỗ mít: Trị sưng tấy mụn nhọt như sau: gỗ mít 20g, lá mít 20g. Sắc uống 1 thang/ngày.
- Nhựa: Trị sưng tấy mụn nhọt bôi vào nơi bệnh.
Làm thuốc an thần và trị cao huyết áp: lá mít 20g, vỏ mít 20g sắc uống 1 thang/ngày.