|
  • :
  • :

Liên kết, tăng giá trị chuỗi ngành hàng lúa gạo 

Ðể nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa gạo, các bộ ngành Trung ương, địa phương vùng ÐBSCL đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân liên kết, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Khuyến khích người dân sản xuất lúa gạo ngon, chất lượng cao để bán được giá cao và mở rộng xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Thu hoạch lúa trong mô hình cánh đồng lớn ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Nhiều tiến bộ

Dù diện tích sản xuất lúa tại vùng ÐBSCL đã giảm đáng kể so với trước đây, nhưng vùng vẫn đang duy trì được một sản lượng lúa rất lớn nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và phát triển sản xuất các giống lúa mới, giúp năng suất đạt cao. Hiện lúa gạo phục vụ xuất khẩu tại vùng ÐBSCL cũng có giá bán được nâng cao nhờ sự chuyển dịch mạnh sang sản xuất các loại lúa gạo thơm ngon, đặc sản, chất lượng cao.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), so với năm 2015, diện tích sản xuất lúa tại ÐBSCL từ mức hơn 4,3 triệu héc-ta nay đã giảm xuống còn 3,814 triệu héc-ta. Tuy nhiên, năng suất lúa bình quân từ mức 59,65 tạ/ha đã tăng lên ở mức hơn 62 tạ/ha. Dù diện tích sản xuất lúa bị giảm đáng kể so với trước nhưng hiện hằng năm vùng ÐBSCL vẫn đạt được sản lượng lúa khá cao, với trên dưới 24 triệu tấn/năm, trong khi vào thời điểm năm 2015 ở mức khoảng 25,7 triệu tấn/năm. Sản xuất lúa gạo tại vùng ÐBSCL đang tiếp tục đóng góp phần lớn lượng lúa gạo phục vụ xuất khẩu của nước ta, cũng như đảm bảo tiêu dùng trong nước. Ông Nguyễn Văn Ðoan, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Trồng trọt tại TPHCM, cho biết: "Diện tích sản xuất lúa tại vùng ÐBSCL giảm so với trước do các diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả và nhiều diện tích ảnh hưởng nặng bởi hạn mặn được nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng vật nuôi khác hiệu quả hơn, nhất là trồng cây ăn trái và nuôi thủy sản. Cơ cấu giống cũng chuyển đổi mạnh theo hướng nâng cao chất lượng gắn với nhu cầu thị trường. Tỷ lệ sản xuất các loại lúa gạo thơm ngon và đặc sản được nâng lên trên 30%, gạo chất lượng cao đạt tỷ lệ 45-46% trên tổng diện tích, còn việc sản xuất các giống lúa cho chất lượng gạo trung bình (như 50404) chỉ còn chiếm diện tích nhỏ và có xu hướng còn giảm". Theo ông Nguyễn Văn Ðoan, qua kết quả xuất khẩu gạo cho thấy, giá xuất khẩu gạo càng ngày càng được nâng cao. Nếu giai đoạn 2010-2015, giá ở mức 300-350 USD/tấn, thì nay đạt gần 500 USD/tấn. Qua 10 tháng năm 2022, nước ta xuất khẩu gạo đạt 6,1 triệu tấn, với giá trị gần 3 tỉ USD. Dự báo xuất khẩu gạo cả năm nay có thể vượt trên 6,7-6,8 triệu tấn, với giá trị đạt 3,4-3,5 tỉ USD.

Gỡ khó phát triển chuỗi liên kết

Hiện nay, nông dân tại nhiều tỉnh, thành vùng ÐBSCL cũng tăng cường liên kết, phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng cao và an toàn, tạo thuận lợi trong kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ. Qua đó, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giúp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh lúa gạo ngày càng hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, nhìn chung việc phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi tại vùng ÐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần được ngành chức năng quan tâm hỗ trợ tháo gỡ kịp thời. Ðáng chú ý, tỷ lệ tiêu thụ lúa của nông dân thông qua thương lái còn cao, trong khi qua hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp còn ít. Tình trạng phá vỡ hợp đồng trong liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo còn thường xuyên xảy ra. Nông dân tại nhiều nơi còn sử dụng nhiều loại giống trên cùng một vùng sản xuất, thiếu phương tiện phơi sấy và tồn trữ lúa ở cấp nông hộ. Công nghệ xay xát, chế biến gạo ở một số đơn vị, doanh nghiệp còn lạc hậu. Còn thiếu thương hiệu gạo Việt mạnh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu…

Theo ông Phan Minh Thông, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững Nông nghiệp Nông thôn, Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, để nâng cao giá trị chuỗi lúa gạo vùng ÐBSCL, tới đây ngành chức năng cần quan tâm, có thêm cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất lúa chất lượng cao. Tăng cường công tác định hướng về thị trường xuất khẩu lúa gạo hằng năm, nhất là về cơ cấu giống lúa để các địa phương có hướng chỉ đạo sản xuất đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp xuất khẩu. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành vùng ÐBSCL. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao, liên kết hỗ trợ nông dân từ vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với phương thức phù hợp trên nguyên tắc cùng có lợi. Quan tâm chế biến sâu và chế biến phụ phẩm từ cây lúa, hạt gạo để nâng cao giá trị gia tăng.

Kết nối cung cầu, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi tại vùng ÐBSCL, Tổ Ðiều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản của Bộ NN&PTNT vừa tổ chức "Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng ÐBSCL". Tại diễn đàn này, nhiều đại biểu cho rằng, để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy liên kết giữa nông dân với nhau và với doanh nghiệp theo hướng hài hòa lợi ích giữa các bên, với sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước. Ðồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới và thực hiện chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh lúa gạo và tăng cường khả năng kết nối với nhau. Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa giữa nông dân và doanh nghiệp còn gặp khó, nhất là trong thỏa thuận giá cả, thời điểm thu mua lúa và thanh toán tiền. Ngành chức năng cần quan tâm có thêm cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ kịp thời. Ðồng thời, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng thanh toán tiền mua lúa qua ngân hàng số nhằm giúp doanh nghiệp và nông dân thoát khỏi các khó khăn, vướng mắc khi cần phải thanh toán tiền lúa bằng một lượng tiền mặt quá lớn.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để tạo thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp thỏa thuận giá mua bán lúa, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần quan tâm xác định và công bố giá lúa tươi, lúa khô hằng tuần trong thời điểm vào các vụ thu hoạch lúa để người dân nắm. Tránh tình trạng có một số thương lái mua lúa gạo với số lượng rất ít nhưng cố tình nâng giá lên cao tại một số thời điểm, gây nhiễu loạn thị trường và phá vỡ sự liên kết giữa nông dân và
doanh nghiệp.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/lien-ket-tang-gia-tri-chuoi-nganh-hang-lua-gao-a153868.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin