|
  • :
  • :

Liên kết sản xuất giúp nông dân huyện Bác Ái nâng cao thu nhập

Liên kết, bao tiêu sản phẩm được xem là giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Chính vì vậy, thời gian qua, huyện Bác Ái đã khai thác lợi thế cây bản địa và phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao với “bà đỡ” là các hợp tác xã (HTX) nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập.

Những ngày này, gia đình chị Pupu Thị Hạnh ở thôn Bậc Rây 2 cũng như nhiều bà con trên địa bàn xã Phước Bình đang tất bật bước vào vụ thu hoạch hạt điều. Chị Hạnh, chia sẻ: Vườn điều của gia đình tôi trồng trên 1.000 cây với diện tích gần 2,5ha đất sườn đồi. Trước đây bà con canh tác theo kiểu truyền thống, chủ yếu trồng thả nên năng suất hạt điều đạt thấp khoảng 5-6 tạ/ha. Từ khi được HTX điều hữu cơ TrueCoop cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc cây điều theo hướng hữu cơ đã giúp năng suất hạt điều tăng hơn trước kia. Hiện giá hạt điều dao động từ 25.000-27.000 đồng/kg, nhờ đó giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định để phát triển kinh tế. Cũng như gia đình chị Hạnh, hiện nay gia đình anh Katơr Thuận ở thôn Chà Panh, xã Phước Hòa cũng đang tất bật thu hoạch hơn 1,2ha điều hữu cơ. Anh Thuận, cho biết: Mấy năm trước vào vụ thu hoạch hạt điều bà con thường bán ở các tiệm tạp hóa và các điểm thu mua nhỏ lẻ trong xã nên giá cả bấp bênh. Từ ngày tham gia HTX điều hữu cơ TrueCoop thì giá cả ổn định hơn, nhờ đó giúp bà con tăng thêm thu nhập. Hiện nay trên địa bàn xã có điểm thu mua Phong Bình của HTX điều hữu cơ TrueCoop rất thuận tiện cho bà con trong việc bán hạt điều.

Nhờ liên kết sản xuất lúa giúp nông dân huyện Bác Ái nâng cao thu nhập.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 5.000ha cây điều được trồng dưới tán rừng. Trong đó, HTX điều hữu cơ TrueCoop đã liên kết với 1.800 hộ nông dân với 3.980ha điều canh tác theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. HTX bao tiêu 100% hạt điều hữu cơ cho nông dân, nhờ đó giúp bà con tăng thêm thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Ông Bùi Duy Thanh, Phó Giám đốc HTX điều hữu cơ TrueCoop, cho biết: Thời gian tới chúng tôi tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu để liên kết với khoảng 2.500 thành viên, nâng diện tích, sản lượng của TrueCoop lên trên 5.000ha, mục tiêu thứ hai, chúng tôi sẽ cùng với Công ty Cổ phần BioValley Việt Nam xây dựng nhà máy chế biến điều hữu cơ tại Ninh Thuận và mục tiêu thứ ba là chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện các dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm hạt điều hữu cơ.

Phước Chính là xã thuần nông, cuộc sống của người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhằm giúp người dân nâng cao năng suất và chất lượng hạt gạo, năm 2020, HTX Nông nghiệp Dịch vụ tổng hợp Phước Chính đã liên kết với 30 hộ canh tác khoảng 20ha giống lúa Đài Thơm 8 theo tiêu chuẩn VietGAP. Ban đầu, HTX hỗ trợ về giống lúa mới, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua thời gian triển khai mô hình không chỉ giúp nâng cao năng suất, sản lượng hạt gạo mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân ở địa phương. Đến nay, số hộ liên kết đã tăng lên trên 80 hộ, mỗi vụ sản xuất gần 70ha với giống lúa chủ lực là Đài Thơm 8, sản lượng gạo sạch cung ứng ra thị trường trên 50 tấn/vụ. Sản phẩm gạo của HTX được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ mở rộng ra các tỉnh, thành phố, như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Lâm Đồng. Qua đó, góp phần đưa sản phẩm đặc thù của địa phương đến người tiêu dùng, giúp người dân nâng cao thu nhập. Bà Chamaléa Thị Phượng ở thôn Suối Khô, chia sẻ: Khi tham gia liên kết, nông dân được HTX đầu tư phân bón, giống, hỗ trợ kỹ thuật. Lúa sau khi thu hoạch được HTX thu mua với giá cao hơn ở ngoài nên bà con rất yên tâm sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh việc khai thác lợi thế từ các loại cây trồng bản địa, hiện nay huyện Bác Ái đang phát triển những cây trồng có giá trị kinh tế cao thông qua mô hình của các HTX để nâng cao hiệu quả sản xuất và giúp giảm nghèo cho người dân địa phương. Đơn cử như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung ở thôn Suối Đá, xã Phước Tiến đã năng động tìm được hướng đi riêng, xây dựng khu nông trại nhà kính 2ha, liên kết với nông dân sản xuất dưa lưới. HTX cam kết cung ứng một phần đầu vào đáp ứng số lượng, chất lượng sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu 100% sản phẩm mà nông dân đăng ký cùng liên kết sản xuất với giá ổn định. HTX triển khai mô hình mẫu đáp ứng yêu cầu để nông dân tham quan tìm hiểu, cùng hợp lại trong chuỗi liên kết để tạo ra sản phẩm có chất lượng, thương hiệu. Hằng năm HTX đưa ra thị trường trên 230 tấn dưa lưới chất lượng cao, đạt doanh thu từ 6-7 tỷ đồng. Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Giám đốc HTX, cho biết: Để đứng vững trong nền kinh tế thị trường, HTX đã chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể, đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ cao, đảm bảo cung cấp cho thị trường sản phẩm dưa lưới an toàn với giá cả phù hợp. HTX đã tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm dưa lưới Sun Farm, kết quả được Hội đồng đánh giá và xếp hạng đạt 3 sao cấp tỉnh trong năm 2022. Sản phẩm OCOP đã góp phần khẳng định giá trị sản xuất, tạo động lực cho HTX đẩy mạnh sản xuất, mở rộng và liên kết với người dân mở rộng diện tích sản xuất góp phần đưa thương hiệu dưa lưới của HTX ngày càng được nhiều người biết đến. Không dừng lại ở việc đưa sản phẩm quả dưa lưới tươi với chất lượng tốt nhất ra thị trường, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung cũng sẽ nghiên cứu để đầu tư xây dựng, chế biến sâu để cho ra các chủng loại sản phẩm đa dạng được chế biến từ dưa lưới như: Nước ép dưa lưới, dưa lưới sấy, bột dưa lưới hòa tan, kem dưa lưới, kẹo dưa lưới...

Qua thông kê, trên địa bàn huyện Bác Ái có 14 HTX dịch vụ nông nghiệp đang hoạt động với 130 thành viên, tổng số vốn điều lệ của 14 HTX trên 20 tỷ đồng. Có thể thấy, việc phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản với “bà đỡ” là các HTX đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo vùng nguyên liệu và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Từ các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các HTX đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Điều này không chỉ vừa giúp giảm nghèo mà còn đóng góp vai trò lớn vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/146976p25c151/lien-ket-san-xuat-giup-nong-dan-huyen-bac-ai-nang-cao-thu-nhap.htm