|
  • :
  • :

Liên kết phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn tại ĐBSCL 

Những năm qua, hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở ÐBSCL có sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nguồn nguyên liệu đầu vào tăng cao, yêu cầu khắt khe từ thị trường đòi hỏi các HTX phải nhanh chóng chuyển mình thích ứng. Trong đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển mô hình kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn được xem là hướng đi, giải pháp tối ưu cho các HTX nông nghiệp ở thời điểm hiện tại và tương lai.

Vú sữa trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A.

Tại diễn đàn HTX nông nghiệp với chủ đề phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn trong các HTX nông nghiệp, ông Lê Ðức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh: ÐBSCL là vùng phát triển hàng hóa lớn nhưng phải đối phó với nhiều thách thức, trong đó có biến đổi khí hậu. Nông nghiệp tuần hoàn có vai trò quan trọng biến những thách thức thành cơ hội phát triển nông nghiệp bền vững vùng ÐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu. Ðể phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn đem lại hiệu quả phải triển khai ở quy mô rộng và có tính liên kết.

Thực tế tại ÐBSCL đã xuất hiện khá nhiều mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn như mô hình lúa - thủy sản kết hợp vùng ven biển ÐBSCL; mô hình VAC+ tại ÐBSCL... Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn sẽ là nền tảng phát triển kinh tế tuần hoàn trong tương lai. Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ, cho biết: “HTX chuyên trồng sầu riêng, vú sữa theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP để đáp ứng yêu cầu bao tiêu của doanh nghiệp và phục vụ xuất khẩu. Chúng tôi nhận thức phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu trong HTX rất quan trọng, góp phần nâng cao hơn nữa thu nhập của các thành viên, sản phẩm làm ra an toàn, chất lượng. Tuy nhiên để ứng dụng được kinh tế tuần hoàn vào sản xuất đòi hỏi mỗi thành viên phải thay đổi tư duy trong sản xuất và bắt đầu từ những công đoạn nhỏ nhất. Với vai trò là Giám đốc HTX, tôi sẽ định hướng xã viên tận dụng các cành, nhánh, trái hư ủ để lấy phân hữu cơ, bón lại cho vườn cây”.

Nhấn mạnh vai trò liên kết trong phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, ông Nguyễn Quốc Bảo, HTX Bưởi da xanh Bến Tre, cho rằng, nếu phạm vi một hộ áp dụng nông nghiệp tuần hoàn sẽ khó nhưng nếu áp dụng quy mô HTX cùng làm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ mang giá trị không chỉ cho hợp tác xã mà còn giúp bảo vệ môi trường, tạo hiệu ứng xã hội. Tại HTX Bưởi da xanh Bến Tre không chỉ các thành viên liên kết với nhau mà còn liên kết với HTX nuôi bò sữa để lấy phân bò nuôi trùn quế làm phân bón cho cây bưởi.

Hiện tại, các HTX nông nghiệp tại ÐBSCL đang phải đối mặt với các vấn đề như quy mô vốn, tài sản thấp, tích lũy chậm; tỷ lệ hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia liên kết chuỗi giá trị còn thấp; ứng dụng công đoạn sau thu hoạch còn hạn chế... Vì vậy, theo TS Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, để phát triển nông nghiệp xanh và nông nghiệp tuần hoàn trong các HTX nông nghiệp trước tiên cần củng cố, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của HTX; giúp HTX chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Ðồng thời, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của Nhà nước; xã hội hóa nguồn lực đầu tư, tăng cường hợp tác quốc tế và các tác nhân khác. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông; mở các lớp đào tạo, tập huấn, tham quan học tập để chuyển dần từ sản xuất theo các mô hình tuyến tính sang các mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn...

Ði thẳng vào việc phát triển sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn trên cây lúa - cây trồng chủ lực của ÐBSCL, TS Nguyễn Kim Thu, Viện Lúa ÐBSCL, nhấn mạnh: Nhà nước cần thay đổi các chính sách và cơ chế cắt giảm phát thải khí nhà kính như hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý thay vì chỉ hỗ trợ tài chính cho các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Bởi hiện tại rất khó để thuyết phục nông dân tham gia sản xuất phát thải carbon thấp vì chưa có chính sách hỗ trợ, cải thiện thu nhập cho nông dân trồng lúa thực hành canh tác phát thải cacbon thấp. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của nông dân, người trực tiếp sản xuất lúa gạo để họ có những biện pháp giảm phát thải: sử dụng rơm rạ thành nguồn lợi thay vì đốt bỏ, ủ rơm thành phân bón…

Có thể thấy rằng, phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi đúng đắn và tất yếu của nền nông nghiệp ÐBSCL. Theo đó, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn phải tuân thủ nguyên lý 3R: reduce (giảm tài nguyên đầu vào), reuse (tái sử dụng) và recycling (tái chế). Và để quá trình này đạt được kết quả như kỳ vọng cần có sự đồng thuận, thống nhất từ Trung ương đến địa phương từ khâu tuyên truyền, vận động đến xây dựng mô hình thích ứng cụ thể…

Nguồn: https://baocantho.com.vn/lien-ket-phat-trien-nong-nghiep-xanh-nong-nghiep-tuan-hoan-tai-dbscl-a153801.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin