|
  • :
  • :

Liên kết để hài hòa lợi ích trong chuỗi giá trị lúa gạo 

Năm nay, giá gạo xuất khẩu của nước ta tăng cao kỷ lục, nên lúa bán được giá nông dân có được lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, để  hưởng lợi lâu dài, đòi hỏi nông dân và các bên liên quan cần tăng cường liên kết nhằm nắm bắt tốt các cơ hội từ thị trường và ổn định đầu ra sản phẩm...

Vẫn tiềm ẩn nhiều nỗi lo

Đầu ra xuất khẩu có nhiều thuận lợi, giá gạo xuất khẩu của nước ta tăng lên ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua đã và đang tạo cơ hội, điều kiện cho nông dân bán lúa được giá cao, thu được lợi nhuận tốt nên nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, hiện nông dân trồng lúa vẫn còn lo về giá cả đầu ra của lúa gạo tương lai bởi diễn biến của thị trường lúa gạo rất khó đoán trước; nông dân tại nhiều nơi chưa có sự liên kết, gắn kết chặt với các doanh nghiệp và nhà tiêu thụ. Mặt khác, tác động của biến đổi khí hậu cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng của lúa. Bên cạnh đó, nông dân còn gặp khó khi giá phân bón cùng nhiều loại vật tư, chi phí đầu vào phục vụ sản xuất lúa đã tăng và đang ở mức cao so với trước đây, từ đó làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận. Nếu giá vật tư nông nghiệp và các chi phí đầu vào tiếp tục tăng, dù giá lúa có tăng thì lợi nhuận thực sự của nông dân vẫn không tăng đáng kể.

Thu hoạch lúa vụ thu đông 2023 tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Hiện nay, việc phân chia lợi nhuận giữa nông dân và các bên có liên quan trong chuỗi giá trị lúa gạo cũng chưa hài hòa và thường xuyên xảy ra tình trạng được người này, thiệt người kia, từ đó ảnh hưởng đến sự ổn định của ngành hàng. Nguyên nhân do liên kết giữa các bên chưa chặt chẽ, chưa hài hòa được lợi ích, cũng như do khâu bảo quản, chế biến sản phẩm còn hạn chế nên chưa chủ động nắm bắt tốt các cơ hội từ thị trường. Đây cũng chính là nỗi lo rất lớn của nông dân trồng lúa bởi họ luôn là người "yếu thế" và thường xuyên chịu thiệt thòi nhiều nhất. Thực tế cho thấy, thời gian qua, thường xuyên có tình trạng nông dân bán lúa giá thấp, không có lợi nhuận nhiều nhưng nhiều tiểu thương, doanh nghiệp vật tư nông nghiệp và doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại thu được lợi nhuận cao. Ngược lại, những năm lúa bán được giá cao, nông dân phấn khởi vì có lợi nhuận tốt thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại than lỗ. Cụ thể như thời gian gần đây giá gạo thế giới tăng, giá lúa liên tục tăng, từ mức 6.000 đồng/kg vào hồi đầu năm và gần đây đã lên mức trên dưới 9.000 đồng/kg. Nông dân trồng lúa trong vụ hè thu và thu đông 2023 có thể đạt lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng/công, cao hơn gấp đôi so với các năm trước. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại than lỗ do giá xuất khẩu không theo kịp giá nội địa, nhất là khi doanh nghiệp đã lỡ ký trước các hợp đồng với giá thấp hơn vì không lường trước "sốt giá" lúa gạo.

Liên kết chặt cùng hưởng lợi

Mới đây, tại tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh đã phối hợp Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Báo Tuổi trẻ tổ chức hội thảo "Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài". Tại hội thảo này, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và tăng lợi nhuận cho nông dân cần tăng cường liên kết theo chuỗi để tối ưu hóa chi phí, nâng cao chất lượng, an toàn của sản phẩm. Phát triển khâu bảo quản, chế biến và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo để xuất khẩu được giá cao. Đồng thời, chú ý quản lý, khai thác tốt các nguồn phụ phẩm trong sản xuất lúa gạo như rơm rạ, trấu… để nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng.

Ông Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng: "Để nông dân trồng lúa được thịnh vượng, Nhà nước cần kịp thời có các hỗ trợ về tài nguyên đất, nước và hạ tầng sản xuất, về vốn, khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường và tri thức hóa cho nông dân. Qua đó, nông dân có điều kiện tăng quy mô sản xuất, tăng cường liên kết với nhau và với doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như đa dạng nguồn thu nhập". Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT, nông dân cần chú ý chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các loại vật tư đầu vào, cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên để sản xuất hiệu quả và bền vững.

Theo TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ, nông dân cần liên kết gắn với hợp tác xã (HTX) để tạo luận lợi trong kết nối, ký kết các hợp đồng với doanh nghiệp. Bởi từng nông dân riêng lẻ rất khó ký hợp đồng với doanh nghiệp và đây cũng là nguyên nhân khiến lượng lúa tiêu thụ có hợp đồng tại nhiều địa phương mới chiếm tỷ lệ 15% trên tổng diện tích. Qua khảo sát tại 6 địa phương trồng lúa trọng điểm ở ĐBSCL, hiện mới có khoảng 25% nông dân tham tổ hợp tác và HTX.

Giá lúa tăng có thể chỉ là tạm thời hoặc chỉ đến một điểm dừng nào đó nó có thể trở lại bình thường. Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, khi và chỉ khi chúng ta chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy hợp tác thì mới thành công và đạt hiệu quả lâu dài cho các bên có liên quan. Bởi khi tư duy mua bán và tư duy ngắn hạn theo từng mùa vụ thì "người này được hưởng nhiều, người kia sẽ hưởng ít" vì cái bánh giá trị chỉ gói gọn trong một gói. Chúng ta cần cùng nhau thay đổi để đi đường dài hơn. Các bên có liên quan cần hợp tác lại tạo không gian giá trị lớn hơn để tạo ra đa giá trị và đa thu nhập. Khi "cái bánh to ra" thì mỗi người đều được chia phần to ra. Hiện Bộ NN&PTNT cũng đang tích cực kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp lớn tham gia cùng Bộ thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Qua đó, thực sự chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy hợp tác trên những cánh đồng, trong đó có những tập đoàn, những doanh nghiệp dẫn dắt, cùng với các HTX. Đồng thời, thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo để tăng cường các hoạt động nghiên cứu từ giống, từ quy trình canh tác, sử dụng phân thuốc hợp lý, nghiên cứu ra những sản phẩm tuần hoàn trên cây lúa, hạt lúa...  giúp tạo ra những giá trị mới.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/lien-ket-de-hai-hoa-loi-ich-trong-chuoi-gia-tri-lua-gao-a167439.html