Sầu riêng được trồng ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
Được giá nhưng chưa ổn định
Ðầu tháng 9-2022, nước ta đã xuất khẩu xuất chính ngạch lô hàng sầu riêng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư, từ đó mở ra những đơn hàng lớn liên tục được các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới. Theo đó, nông dân trồng sầu riêng ở nước ta bán sản phẩm với mức giá cao hơn rất nhiều so với các năm trước và việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng. Tuy nhiên, giá sầu riêng thời gian qua liên tục có sự biến động với biên độ khá lớn, chứ không ổn định.
Vào thời điểm tháng 1 và tháng 2-2023, vào nghịch mùa và nhu cầu tiêu thụ ở mức cao, giá sầu riêng tại một số tỉnh vùng ÐBSCL được nông dân bán với giá lên đến 170.000-200.000 đồng/kg. Mức giá này cao gấp 2-3 lần so với các năm trước và so với các thời điểm thuận mùa của sầu riêng tại ÐBSCL vào khoảng tháng 4 đến tháng 6 hằng năm. Những tháng gần đây, dù giá sầu riêng có giảm so hồi đầu năm nhưng nông dân vùng ÐBSCL, các tỉnh, thành vùng miền Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên vẫn bán sầu riêng được giá khá cao, với các loại sầu riêng Ri6, Sáu Hữu và sầu riêng giống Thái... có giá từ 50.000-95.000 đồng/kg trở lên. Theo nông dân trồng sầu riêng, với giá bán sầu riêng ở mức cao như năm nay và năng suất vườn sầu riêng đạt từ 2-3,5 tấn/công, nông dân thu lợi nhuận từ 50 -100 triệu đồng/công, thậm chí cao hơn. Dù vậy, nông dân cũng lo cho đầu ra trong tương lai khi người dân tại nhiều địa phương đã tăng mạnh diện tích trồng sầu riêng. Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, hiện cả nước có 112.000ha sầu riêng, diện tích đã tăng nhanh trong những năm gần đây, bình quân tăng 24,5%/năm, tổng sản lượng hiện nay khoảng 900.000 tấn. Hiện vùng ÐBSCL có khoảng 33.000ha sầu riêng, vùng Ðông Nam Bộ 21.000ha, Tây Nguyên hơn 52.000ha, trong đó tỉnh Ðắk Lắk hiện có khoảng 23.000ha.
Ðáng lo ngại là khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân có tâm lý muốn tăng sản lượng bằng mọi cách như mở rộng vùng trồng, tăng sử dụng phân bón, chất kích thích tăng trưởng cho cây... Cùng với đó là hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ kèo các hợp đồng, thậm chí thu hoạch sầu riêng chưa đủ độ chín để tranh thủ bán lúc giá cao... đã xuất hiện tại một số địa phương. Ðiều này ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu, cũng như sự ổn định đầu ra lâu dài cho sản phẩm.
Cần liên kết chặt chẽ
Tại diễn đàn "Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam" do Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa chủ trì phối hợp tỉnh Ðắk Lắk tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, nông dân, doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ, liên kết ngay từ đầu ra của quá trình sản xuất để khắc phục tình trạng "tranh mua, tranh bán" sầu riêng. Ngành chức năng cần siết chặt công tác quản lý nhà nước, kịp thời chấn chỉnh các hiện tượng và hành vi có thể ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và sự phát triển bền vững của ngành hàng sầu riêng như thu hoạch khi trái còn non, gian lận mã số vùng trồng... Ðồng thời, xác định rõ vai trò, trách nhiệm và mối quan hệ của các cấp, các ngành, của hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân để tạo không gian liên kết, gắn kết chặt với nhau. Xây dựng ngành hàng chất lượng, minh bạch, trách nhiệm, tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực của thị trường và các đối tác.
Ông Vũ Ðức Côn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ðắk Lắk, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Ðắk Lắk, kiến nghị Bộ NN&PTNT và các ngành chức năng cần xây dựng, ban hành cơ chế phối hợp liên ngành nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến sầu riêng. Quan tâm nâng cao tỷ trọng sầu riêng được tiêu thụ thông qua chế biến. Phát huy hơn nữa vai trò của hiệp hội, ngành hàng trong công tác tuyên truyền, tập huấn, cầu nối kết nối doanh nghiệp, HTX và nông dân. Theo bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm, ngành hàng sầu riêng chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã - nông dân và doanh nghiệp. Các liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ sẵn sàng bị bẻ gãy khi giá lên cao, gây mất ổn định ngành hàng và chất lượng sản phẩm tiêu thụ, xuất khẩu. Các HTX chưa phát huy tốt vai trò của mình tại vùng liên kết. Ðể chuỗi liên kết phát triển bền vững, cần phối hợp nhịp nhàng với nhau giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp. Ðồng thời, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng về giao thông, logistics, thành lập các cơ sở kiểm dịch tại vùng nguyên liệu... để tạo thuận lợi cho nông dân, HTX và doanh nghiệp trong liên kết và giúp giảm các chi phí.
Theo Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan, các doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với nền nông nghiệp nước nhà, quan tâm chuyển từ tư duy và quan hệ mua bán sang quan hệ hợp tác với nông dân và các bên liên quan ngay từ đầu của quá trình sản xuất, từ đó tránh tình trạng tranh mua tranh bán khi vào vụ thu hoạch trái. Bộ trưởng đã cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và chính quyền địa phương cùng các hiệp hội ngành hàng cần quan tâm tăng cường cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất. Hỗ trợ nông dân trong sản xuất đạt các tiêu chuẩn và thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết với nhau và với doanh nghiệp để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và tự phát...