Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng, ông Trần Văn Coi có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Làm giàu từ cây nhãn
Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) và liên kết trong sản xuất, ông Coi đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây nhãn. Tiếp tôi trong căn nhà khang trang, ông Coi kể về quá trình lập nghiệp đầy gian nan, cơ cực của mình. Theo ông Coi, năm 1977, sau khi cưới vợ, ông được cha mẹ cho hơn 1,5ha đất ruộng. Ban đầu, theo tập quán sản xuất cũ, ông sạ lúa thường và sạ dày nên năng xuất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Để tăng thu nhập, ông Coi mua máy suốt lúa làm thuê. Công việc làm ăn thuận lợi, ông Coi dành dụm tiền mua được thêm 3ha ruộng. Ông Coi xác định làm nghề nông, muốn thành công phải ứng dụng KHKT vào sản xuất. Do đó, từ những ngày đầu lập nghiệp đến nay ông luôn bám sát Hội Nông dân để được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, các hội thảo về trồng trọt, chăm sóc lúa, cây ăn trái… Ông Coi cho biết: “Những năm 1977-1992, tôi trồng lúa 2 vụ/năm nhưng thu nhập không cao. Từ đó, tôi quyết định cải tạo 1,5 ha đất ruộng để trồng cây ăn trái cho đến nay”. Từ năm 1992, ông Coi trồng nhãn da bò. Qua 3 năm chăm sóc, vườn nhãn bắt đầu cho trái. Thời điểm đó, nhãn da bò có giá 20.000-25.000 đồng/kg, ông có thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, từ năm 2011-2013, cây nhãn da bò bị bệnh chổi rồng, ông Coi cải tạo vườn trồng lại cây trồng mới.
Năm 2014, ông Coi có dịp tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả ở huyện Phong Điền cũng như các quận lân cận và biết được giống nhãn Idor có ưu điểm kháng được bệnh chổi rồng, năng suất cao và giá thành ổn định. Nắm bắt thời cơ, ông Coi đặt mua 100 nhánh nhãn Idor về trồng thử. Sau khi nhận cây giống, ông Coi đốn bỏ 3 công nhãn da bò để trồng nhãn Idor. Ông Coi chia sẻ: “Giai đoạn đầu, cây nhãn chậm phát triển một phần do bón phân, phun thuốc không đúng quy trình. Đối với cây nhãn Idor, khi ra đọt non phải phun thuốc sâu nhằm hạn chế sâu, rầy tấn công. Song song đó, phải bón phân theo định kỳ để cây tốt sẽ kháng được bệnh”. Với cách làm này, vườn nhãn của ông Coi phát triển xanh tốt. Năm 2016, vườn nhãn đã cho thu hoạch được hơn 2 tấn trái, bán với giá trên 30.000 đồng/kg.
Thấy trồng nhãn Idor có hiệu quả, năm 2016, ông Coi quyết định đốn bỏ 1,2ha vườn nhãn da bò còn lại để tiếp tục trồng nhãn Idor. Từ năm 2017 đến năm 2020, 1,5ha nhãn của ông Coi đã cho thu hoạch ổn định với năng suất từ 25-30 tấn/năm. Ông Coi cho biết: “Do nhãn Idor có ưu điểm hạt nhỏ, vỏ mỏng, cơm dày và giòn, ít nước, độ ngọt vừa phải, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trung bình, 1kg nhãn có thể bán cho thương lái với giá 20.000 đồng”. Để cho cây nhãn xanh tốt, sau khi thu hoạch thì tiến hành tỉa cành, bỏ những cành già, tạo tán cho cây. Với diện tích 1,5ha trồng nhãn idor, ông Coi có thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, ông Coi đã đốn bỏ dần vườn nhãn idor kém hiệu quả để trồng sầu riêng.
Bén duyên với cây sầu riêng
Cuối năm 2020, ông Coi nhận thấy giá cả nhãn bấp bênh nên đốn bỏ 1,2ha nhãn, chuyển sang trồng sầu riêng. Ông chọn các giống sầu riêng Ri6, monthong với ưu điểm hạt lép và phẩm chất ngon hơn các giống sầu riêng thông thường. Ông Coi chia sẻ: “Để trồng sầu riêng đạt hiệu quả, tôi đi tham quan các mô hình trồng sầu riêng của những người đi trước và tham dự các lớp chuyển giao KHKT về trồng và chăm sóc sầu riêng. Từ những kiến thức đã học, kết hợp với kinh nghiệm bản thân, tôi ứng dụng các quy trình vào sản xuất nên sầu riêng phát triển xanh tốt”.
Qua gần 4 năm chăm sóc, đến nay vườn sầu riêng của ông Coi đang phát triển xanh tốt và đang cho trái. Hiện tại, mỗi cây sầu riêng ông Coi để từ 20-40 trái và mỗi trái bình quân nặng từ 1-2kg. Theo ông Coi, khoảng 1 tháng nữa sẽ thu hoạch sầu riêng và ước được hơn 7 tấn trái. Nếu giá từ 70.000-80.000 đồng/kg, ông Coi thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Theo ông Coi, đặc tính của cây sầu riêng là từ khi siết nước xử lý ra hoa đến khi thu hoạch là 6 tháng. Để cho sầu riêng ra trái sớm vụ, vào khoảng tháng 9-10 âm lịch là siết nước kết hợp với bón phân để cây ra hoa. Sau khi cây ra hoa phải bón phân, phun thuốc theo định kỳ để sầu riêng phát triển...
Ngoài huê lợi từ vườn cây ăn trái, ông Coi còn có 3ha đất trồng lúa. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, ông Coi tập trung chăm sóc vườn nên cho thuê 3ha đất trồng lúa với thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm.
❝Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hưng, cho biết: “Ông Trần Văn Coi là một trong những nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. Ông đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, lựa chọn những cây ăn trái chất lượng cao để có thu nhập ổn định, bền vững. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Coi còn tích cực tham gia các phong trào do Hội Nông dân phường phát động, như: hỗ trợ cất nhà tiền chế tặng hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, bắc cầu và tham gia sửa chữa, giặm vá các tuyến đường giao thông bị xuống cấp…”.