Bằng tình yêu đặc biệt với cây sen, chị Phượng đã tạo ra nhiều sản phẩm như giấy, sợi từ thân và gương sen.
Chị Nguyễn Thị Thúy Phượng, trưởng nhóm nghiên cứu, kể chị có 8 năm làm việc ở Tây Bắc, được trải nghiệm cách đồng bào Mông, Dao làm giấy từ thực vật. Nhận thấy ở Đồng Tháp có nguồn phụ phẩm từ thân sen rất lớn, nông dân thường chặt bỏ hoặc vùi xuống đất nên chị có ý tưởng làm giấy sen. Và ý tưởng này đã nhận được sự đồng hành của 10 bạn trẻ có chung tình yêu với cây sen.
“Trong quá trình nghiên cứu giải pháp về kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh từ các mô hình kinh tế nông nghiệp tại Đồng Tháp, tôi thấy còn lượng lớn phế phụ phẩm từ sen chưa được xử lý hiệu quả. Như phần thân sen, kể cả khi kéo tơ sen thủ công vẫn để lại một lượng phế phụ phẩm thân sen vô cùng lớn. Hoặc sau mỗi vụ mùa, đài sen (gương sen) sau khi lấy hạt chủ yếu bị thải bỏ, tạo điều kiện cho nhiều loại vi sinh vật sinh sôi hoặc nếu đốt thì gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng” - chị Phượng cho biết.
Giữa năm 2023, nhóm của chị Phượng bắt tay nghiên cứu, nhiều lần thử nghiệm và tìm ra quy trình sản xuất sợi sinh học để làm vải từ thân sen. Sau khi lấy sợi từ thân sen, phần bã thân sen và nước còn lại sẽ được tận dụng làm thành giấy sen. “Lúc đầu, bằng quy trình kỹ thuật, nhóm đã thành công trong việc tạo ra sợi sinh học (lấy toàn bộ cellulose có trong thân sen). Để làm vải, cần khoảng 32.000 cọng để dệt được 1,09m vải; khoảng 120.000 cọng cho một bộ trang phục và cần nhiều nhân công. Phần phụ phẩm cọng sen sau khi lấy tơ vẫn bị bỏ ra môi trường rất lớn. Từ đó, nhóm nghiên cứu tận dụng phần bã sen để làm giấy” - chị Phượng nói.
Hiện nhóm của chị Phượng đã sản xuất giấy từ thân sen dựa theo phương pháp làm giấy truyền thống. Thân sen được nấu trong nước vôi 6-8 giờ. Sau đó sẽ tách sợi từ thân sen, làm sạch, ngâm khoảng 1 tuần giúp sợi trắng tự nhiên, phần sợi đẹp, đạt tiêu chuẩn sẽ được chọn lọc riêng ra cho sản phẩm sợi sinh học cung ứng ngành công nghiệp phụ trợ hoặc dệt may. Phần sợi và bã còn lại được dùng làm giấy sen. Để làm ra giấy sen thành phẩm, phần sợi sẽ được giã nhuyễn bằng cối đá tạo hỗn hợp bột sợi. Hỗn hợp này đưa lên khung, dùng đầu vòi thủy lực tán đều.
“Nhóm đã nghiên cứu ra kỹ thuật tán và in bột giấy sen bằng áp lực nước. Kỹ thuật này giúp thu được sản phẩm giấy sen theo phương pháp làm giấy truyền thống với độ dày, mỏng khác nhau và tạo được cả sản phẩm giấy sen in hoa văn trên bề mặt giấy dùng cho trang trí nội thất cao cấp” - chị Phượng cho biết.
So với các loại giấy có nguồn gốc cellulose thực vật khác thì giấy sen có ưu điểm vượt trội là mềm dẻo, mịn, sợi thực vật tự liên kết, không phải sử dụng hóa chất hay phụ gia kết dính bột giấy. Giấy sen có thể bị vò nhưng không rách, thấm hút tốt, độ bám mực và màu vẽ chất lượng cao, không bị lem. Hiện giấy sen đã được thử nghiệm đưa ra thị trường thông qua việc làm bao bì, tranh giấy sen, quạt giấy sen và đèn giấy sen. Tùy theo nhu cầu của thị trường mà sản phẩm giấy sen sẽ được tăng độ dày, cứng và khổ rộng. Đồng thời nhóm sẽ triển khai mô hình thí điểm trước khi chuyển giao quy trình sản xuất cho những hộ trồng sen, làm ra thành phẩm hoặc bột sợi bán cho các doanh nghiệp sản xuất giấy. Một doanh nghiệp kinh doanh quà lưu niệm từ sen cũng đưa túi giấy sen vào kinh doanh.
Ngoài cọng thân sen, gương sen cũng được nhóm thực nghiệm thành công sợi sinh học. Đây là những nguyên liệu tiềm năng và quan trọng trong việc tổng hợp các vật liệu nano từ nền tảng cellulose. Sợi sinh học từ cọng thân và gương sen còn được dùng để tạo ra nhựa sinh học có nguồn gốc từ cellulose, một giải pháp thay thế cho nhựa truyền thống từ nhiên liệu hóa thạch không thể tái tạo.
Nhóm của chị Phượng cũng ấp ủ việc triển khai trải nghiệm làm giấy sen cho du khách đến với Đồng Tháp, vừa phát triển du lịch vừa tạo đầu ra cho sản phẩm làm từ sen, góp phần hoàn thiện hệ giá trị ngành hàng sen của tỉnh Đồng Tháp trong chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Sắp tới, nhóm sẽ tiến hành đăng ký nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh để phát triển tiếp theo giai đoạn sản xuất và chuyển giao, thương mại sản phẩm hiệu quả hơn.
Anh Ngô Chí Công, Chủ tịch Hội ngành hàng sen Đồng Tháp, cho biết: “Giấy sen là một trong những giải pháp được chúng tôi đánh gia cao, tiềm năng trong việc ứng dụng làm bao bì mới, góp phần bảo vệ môi trường”.