Theo ghi nhận của phóng viên ngày 6/8, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 65.000 - 69.000 đồng/kg. Theo đó, thương lái tại Hà Nội đang thu mua lợn hơi với giá 68.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000-6.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 2 tuần.
Mức giá cao nhất khu vực 69.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hưng Yên, Thái Bình. Còn giá thấp nhất là 65.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hà Nam và Tuyên Quang. Các địa phương còn lại, giá lợn hơi dao động quanh ngưỡng 66.000 – 67.000 đồng/kg. So với thời điểm giá lợn hơi lập đỉnh 75.000 đồng/kg, giá lợn hơi khu vực miền Bắc trong những ngày qua đã liên tiếp giảm mạnh từ 6.000-10.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay cũng tăng giảm trái chiều, với mức điều chỉnh từ 1.000 - 6.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 60.000 - 67.000 đồng/kg.
Trong đó, thương lái tại Đắk Lắk đang thu mua lợn hơi với giá thấp nhất khu vực là 60.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng/kg so với mấy ngày đầu tuần). Mức giảm sâu nhất hôm nay được ghi nhận tại tỉnh Bình Thuận, với giá giảm khoảng 6.000 đồng/kg đưa giá lợn hơi địa phương này xuống mốc 62.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi quay đầu giảm, và dao động trong khoảng 58.000 - 70.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, thương lái tại Tây Ninh thu mua lợn hơi ở mức 61.000 đồng/kg. Các tỉnh thành gồm Bình Phước, Bình Dương, Trà Vinh, Bến Tre và TP Hồ Chí Minh, sau khi giá giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg, giá lợn hơi tiếp tục được điều chỉnh giao dịch xuống còn 61.000 - 62.000 đồng/kg.
Trước đó, trong 2 tuần đầu tháng 7, giá lợn hơi đột ngột tăng sốc từ 60.000 đồng/kg lên tới 75.000 đồng/kg. Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nguyên nhân một phần do giá thịt lợn ở các nước xung quanh Việt Nam biến động rất lớn nên xuất hiện tình trạng thương lái trong nước xuất lậu thịt lợn sang các thị trường để hưởng giá cao hơn.
Theo Thứ trưởng Tiến, hiện Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo và cử đoàn công tác đi kiểm tra ở các tỉnh biên giới, đã có báo cáo Thủ tướng về việc này. Đến nay, các cửa khẩu biên giới đều siết chặt, không có tình trạng buôn bán lợn như ngày trước nhưng vẫn còn chuyện các thương lái mổ lợn, sau đó chặt mảnh chở sang Trung Quốc tiêu thụ.
Cũng theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giá thức ăn tăng cao, từ năm ngoái đến đầu năm nay có tình trạng người dân treo chuồng, ngừng tái đàn dẫn tới nguồn cung thiếu cục bộ tại một số địa phương. Hiện, Bộ NN&PTNT thúc đẩy, khuyến cáo người dân tăng sản xuất, tái đàn để ổn định nguồn cung trong dịp cuối năm./.