|
  • :
  • :

Không cho đất nghỉ

Mưa không thuận, gió không hòa. Thế là bà con nông dân đi qua một vụ đông xuân có phần thất bát!

Giờ chuẩn bị bước vào vụ hè thu. Buổi chiều thường có sấm sét, mưa dông. Không biết chiều hướng của thời tiết sẽ như thế nào?

Tôi quen với một người em ở xã Hương Toàn (TX. Hương Trà), nhà làm mấy sào ruộng. Mấy năm nay để kiếm thêm tiền nuôi ba đứa con, chồng em làm nghề chăm sóc cây cảnh. Vợ thì đi giúp việc cho một gia đình ở TP. Huế buổi sáng, kiếm thêm được hơn ba triệu đồng mỗi tháng; nay có một quán ăn cần giúp buổi chiều, kiếm thêm được hơn ba triệu đồng nữa. Tính lui tính tới, thu nhập của hai vợ chồng hơn gấp mấy lần làm ruộng, lại tiền tươi thóc thật, ít rủi ro; thế là hai vợ chồng bàn đến chuyện không tiếp tục làm ruộng nữa...

Đứa em nói trên kể, vụ hè thu này định không làm ruộng nữa nhưng hợp tác xã không cho. Ai canh tác không biết nhưng không thể không xanh đồng. Đúng rồi, đất đai là một thứ tài nguyên và có thể nói là một thứ tài nguyên quý giá vì đất không thể sinh ra thêm. Bỏ đất trống cũng là một cách lãng phí - tôi giải thích và “tư vấn”, hay là em về bàn với các hộ bên cạnh có thể để cho họ làm luôn. Kết quả thu được có thể em nhận bao nhiêu phần trăm trong đó, ví dụ như 30%; suy cho cùng hình thức này cũng giống như cho thuê đất. Nếu như nhiều người làm như vậy, nói một cách lý luận – có thể điều kiện để tích tụ đất đai đã xuất hiện. Tích tụ đất đai theo hướng này không có ai bị thiệt.

Gia đình vợ chồng người em mà tôi kể trên sẽ có hai nguồn thu nhập, từ ruộng và từ nghề làm thêm. Người nhận ruộng có thể sẽ trở nên chuyên môn hóa hơn vì đã có diện tích đất lớn hơn. Nghĩa là họ có thêm thu nhập (trong điều kiện canh tác bình thường). Đất vẫn không nghỉ, nghĩa là nguồn tài nguyên đất cũng được khai thác.

Nhưng rồi lại nghĩ qua một việc khác – người nông dân thì không có quyền và không thể cho đất nghỉ. Nhưng trong xã hội, có nhiều chủ thể khác lại “có quyền” cho đất nghỉ, nghĩa là không khai thác đất hiệu quả. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này qua các dự án (DA). Có thời, ven biển Lăng Cô gần như kín DA du lịch. Thế nhưng có bao nhiêu DA được triển khai? Và có không ít DA đã “bỏ của chạy lấy người”. Bản chất của hình thức đầu tư này không khác gì chuyện “xí phần”, mua bán DA. Một khi, chính quyền quản lý chặt chẽ, mục đích kiếm lời trong DA không được, họ sẽ hoặc đã không làm nữa. Và thực chất là không đủ năng lực tài chính để thực hiện.

Rồi các khu đô thị được mở. Chính quyền thu được thêm ngân sách. Nhiều người sở hữu thêm đất. Nhưng nói rằng đất đai đã sử dụng hiệu quả chưa thì có thể nói là chưa. Có những khu quy hoạch đô thị qua hàng chục năm nhưng công trình vẫn không được lấp đầy. Đất cứ thế chạy lòng vòng từ tay người này qua tay người khác. Chính quyền vẫn cứ kêu còn tình trạng thất thu thuế.

Và nhiều ví dụ khác, chẳng hạn như các công trình xây dựng không hiệu quả. Chẳng những đất không được khai thác tốt mà còn tốn thêm tiền từ ngân sách. Thế là, chúng ta đánh mất những giá trị mà đất có thể đưa lại. Mất thêm tiền và có nhiều trường hợp mất… cán bộ.

Nguyễn Lê An

Nguồn: https://baothuathienhue.vn/khong-cho-dat-nghi-a113774.html
Tags: nông dân