Chị Phăng (hàng đầu, bìa trái) giới thiệu sản phẩm son gấc tại “Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2022” và Festival Khởi nghiệp 2023 tại Hà Nội cuối năm 2022.
Chị Phăng kể, là giáo viên, thường xuyên thức khuya, dậy sớm chăm lo cho gia đình, ít chăm sóc bản thân nên da mặt chị nổi tàn nhang, đồi mồi khá nhiều. Một lần được người quen hướng dẫn dùng tinh dầu gấc để điều trị tàn nhang, đồi mồi, chị Phăng không mua mà tự tìm kiếm thông tin rồi thử nghiệm, tự làm để sử dụng cho an toàn. Sau thời gian miệt mài, chị cũng làm được tinh dầu gấc và qua hơn 6 tháng sử dụng, tàn nhang, đồi mồi giảm, da mặt mịn hơn. Từ đó chị nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp với các sản phẩm làm đẹp từ trái gấc.
Sau khi tinh chế ra sản phẩm tinh dầu gấc, ngoài sử dụng, chị Phăng còn tặng bạn bè, người thân và nhận được phản hồi tích cực từ họ. Bước đầu thành công với tinh dầu gấc, chị Phăng nghiên cứu làm thêm các sản phẩm như son gấc, rượu gấc, sa tế gấc... Năm 2019, son gấc của chị chính thức có giấy kiểm định đảm bảo không hóa chất của QUATEST 3. Có đủ điều kiện, chị Phăng cùng học trò tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh do ngành Giáo dục tổ chức và đạt giải Khuyến khích với sản phẩm son gấc. “Dự án son gấc P’PHĂNG hoàn toàn có thể thực hiện được vì nguồn nguyên liệu chính là trái gấc rất dễ mua. Ở địa phương, trái gấc chỉ để nấu xôi, khi tới mùa chín rộ dùng không hết, bán cũng không ai mua nên nguyên liệu khá phong phú” - chị Phăng chia sẻ.
Những kết quả tích cực ban đầu đã tạo động lực để chị Phăng khởi nghiệp từ trái gấc. Tuy lúc này chị chủ yếu sản xuất thủ công và kinh doanh online nhưng son gấc P’PHĂNG lại được nhiều người biết đến và tìm mua. Tháng 11-2021, dự án son gấc P’PHĂNG tiếp tục dành giải Khuyến khích cuộc thi “Nữ doanh nhân với kế hoạch kinh doanh thành công” do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Ðại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tổ chức. Thành tích này tiếp thêm động lực giúp chị Phăng quyết tâm hoàn thành các thủ tục pháp lý để son gấc P’PHĂNG có thể mở rộng thị trường trong nước, có mặt trên các kênh phân phối mỹ phẩm online và hệ sống siêu thị. “Ước mơ xa hơn của tôi là dòng son gấc P’PHĂNG có thể vươn ra thị trường quốc tế với vai trò là một loại son thuần thiên nhiên đến từ Việt Nam” - chị Phăng tâm sự.
Theo chị Phăng, điều làm nên khác biệt của son gấc P’PHĂNG là sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, nguyên liệu đảm bảo sạch, sản xuất thủ công, không dùng hóa chất, có chứng nhận của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng nên đảm bảo an toàn. “Từ khi hoàn thiện đến nay, sản phẩm son gấc P’PHĂNG có nhiều mối sỉ và đã bán ra thị trường hàng chục ngàn thỏi son, mang lại lợi nhuận khá ổn cho gia đình” - chị Phăng chia sẻ.
Chị Phăng cũng nhận định nhu cầu làm đẹp từ các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên của chị em phụ nữ rất lớn, đo đó chị luôn theo đuổi tiêu chí tạo ra dòng sản phẩm từ thiên nhiên, tốt cho sức khoẻ khi sử dụng. “Như son gấc, mọi người dù có “ăn son” lúc đi ăn sáng cũng không phải lo lắng” - chị Phăng nói.
Hiện chị Phăng còn gợi ý học sinh trồng và thu mua tất cả trái gấc của các em với giá 15.000 đồng/kg. Nói về việc này, chị Phăng chia sẻ, do học sinh trên địa bàn đa phần còn khó khăn nên gợi ý các em trồng gấc bán để kiếm thêm thu nhập. “Trồng gấc không mất nhiều thời gian nên không ảnh hưởng việc học của các em, trong khi số tiền các em kiếm được có thể phụ giúp gia đình cũng như chi phí cho học tập” - chị Phăng cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kiên Giang, cho biết: Năm 2022, Hội đã biểu dương 90 điển hình phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu xuất sắc, trong đó có chủ thể và sản phẩm son gấc P’Phăng. Thời gian tới, Hội tiếp tục hỗ trợ chị em tự tin khởi nghiệp bằng các hoạt động thiết thực như xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; đăng ký nhãn hiệu bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng bán hàng, hạch toán lỗ lãi, quảng bá sản phẩm; phối hợp và giới thiệu sản phẩm lên các sàn giao dịch, từ đó mở rộng thị trường trong và ngoài nước.