Lợi thế so sánh lớn
Lợi thế lớn nhất của con cá chẽm so với con tôm nước lợ là dễ nuôi, ít dịch bệnh và năng suất có thể đạt 50-100 tấn/ha. Còn nói về hiệu quả kinh tế thì con cá chẽm không hề thua kém con tôm nước lợ nuôi thâm canh trong cùng điều kiện. Bởi vậy, từ sau dịch EMS trên tôm đến nay đã có không ít hộ nuôi tôm chuyển sang nuôi cá chẽm. Theo anh Võ Điền Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đại Ngư Nghiệp (Sóc Trăng), tính đến thời điểm hiện tại Sóc Trăng là địa phương có sản lượng cá chẽm lớn nhất cả nước với sản lượng mỗi năm ước khoảng 20.000 tấn, sau đó mới đến Khánh Hòa với trên 10.000 tấn, các tỉnh, thành phố khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình… mỗi nơi vài ngàn tấn.
Bên cạnh thị trường nội địa, con cá chẽm còn có thuận lợi là được thị trường nhiều nước châu Á, châu Âu, Mỹ, Canada, Australia, Trung Đông… ưa chuộng, nên dư địa phát triển còn rất lớn. Anh Dũng còn khẳng định, hiện chỉ có con cá chẽm và cá bớp là đủ sức cạnh tranh cả về mặt chất lượng lẫn giá thành với một số quốc gia có nghề nuôi cá chẽm, như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... Anh Dũng chia sẻ thêm: "Riêng công ty tôi, vừa tự nuôi, vừa liên kết với hộ nuôi trong tỉnh, sản lượng cá chẽm mỗi năm khoảng 3.400 tấn và cá hồng mỹ (còn gọi là cá đù) khoảng 600 tấn; trong đó, tiêu thụ nội địa (chợ đầu mối Bình Điền - TP Hồ Chí Minh) 50% và 50% là xuất khẩu".
Cá chẽm có lợi thế so sánh rất lớn cả về điều kiện nuôi, cạnh tranh về giá thành và thị trường tiêu thụ. Trong ảnh: thu hoạch cá chẽm tại Công ty TNHH Đại Ngư Nghiệp.
Tuy nhiên, quy mô nuôi cá chẽm hiện đa số còn nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp nên sản lượng và giá cá không ổn định, rất khó cho doanh nghiệp trong việc chủ động thiết lập đơn hàng với đối tác. Mặt khác, sự thiếu hụt nguồn giống chất lượng cũng là bài toán nan giải đối với người nuôi, mà nói như anh Dũng thì con giống hiện nay là nút thắt quan trọng của nghề nuôi biển nói chung và nuôi cá chẽm nói riêng. Vì vậy, một khi chúng ta nâng nghề nuôi lên quy mô công nghiệp thì sản xuất giống cũng phải được nâng lên tầm sản xuất công nghiệp. "Không nói đâu xa, ngay như doanh nghiệp tôi, dù nhu cầu con giống mỗi năm chỉ vào khoảng 3 triệu con nhưng cũng phải đi gom từ nhiều nguồn mới đáp ứng đủ nhu cầu này" - anh Dũng bức xúc. Khó khăn khác là vấn đề vốn, bởi theo anh Dũng, với lãi suất 10-12%/năm thì người nông dân sống không nổi với nghề. Do đó, cần có cơ chế, chính sách về vốn và lãi suất phù hợp trong dài hạn.
Nâng tầm vị thế cá chẽm
Có điều kiện nuôi tốt cả với hình thức nuôi lồng bè trên biển lẫn trong ao dọc theo các tuyến sông lớn, giá thành có tính cạnh tranh, nhưng vì sao diện tích, sản lượng cá chẽm nói riêng và một số loại cá biển có giá trị khác nói chung đến nay vẫn còn rất thấp? "Đó là do chúng ta chưa mở rộng được thị trường, chưa quảng bá mạnh các đối tượng nuôi này nên còn nhiều thị trường tiềm năng chưa biết đến sản phẩm của chúng ta. Do đó, hiện doanh nghiệp chưa dám mở rộng diện tích nuôi do chưa có thị trường xuất khẩu ổn định vì chỉ cần sản lượng tăng lên là ngay lập tức giá cá sẽ giảm xuống" - anh Dũng lý giải.
Nhắc đến công tác quảng bá, xúc tiến thị trường, anh Dũng vẫn còn cảm thấy tiếc: "Tôi vẫn còn nhớ, tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (gọi tắt là APEC) năm 2017 tổ chức tại Đà Nẵng, trong số thực đơn đãi khách có con cá chẽm, nhưng chúng ta không tận dụng được cơ hội này để quảng bá hình ảnh con cá chẽm với bạn bè quốc tế". Do đó, theo anh Dũng, để con cá chẽm phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế thì Chính phủ phải đi đầu, sau đó đến bộ, ngành, nhằm giới thiệu, tiếp thị mặt hàng cá chẽm của Việt Nam đến các quốc gia khác, để đối tác biết, tìm đến Việt Nam như một chỉ dẫn địa lý về nguồn cung có chất lượng và đảm bảo nhu cầu về số lượng. Anh Dũng lý giải thêm: "Khi thị trường xuất khẩu được đẩy lên rồi, có tín hiệu rồi thì một loạt các vấn đề về sau tự thân nền kinh tế trong nước sẽ điều tiết một cách linh hoạt và hiệu quả. Tôi ví dụ như ngân hàng, họ sẽ nhìn thấy cơ hội, doanh nghiệp cá tra nhìn thấy cơ hội họ sẽ điều tiết một phần nguồn vốn, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp giống… sang con cá chẽm".
Lâu nay, khi nói về điểm yếu trong cạnh tranh của các mặt hàng thủy sản thì yếu tố giá thành luôn được xếp hàng đầu. Tuy nhiên, đối với con cá chẽm, anh Dũng khẳng định: "Tôi cũng có nghiên cứu con cá chim vây vàng, cá rô phi hay cá mú nhưng thấy không thể cạnh tranh với Trung Quốc về giá thành, mà chỉ có con cá chẽm, cá hồng mỹ và cá bớp là có đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc và một số quốc gia khác. Riêng con cá chẽm, tôi có thể khẳng định, cho đến thời điểm này, giá thành nuôi của chúng ta hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với một số nước, như Malaysia, Thái Lan… đặc biệt là lợi thế hơn Trung Quốc nhờ nuôi được quanh năm". Còn về sản lượng cá chẽm, theo ước tính của các doanh nghiệp, hằng năm hiện trên 100.000 tấn và còn có thể phát triển lên gấp nhiều lần một khi thị trường xuất khẩu được mở rộng. Vì vậy, các doanh nghiệp cho rằng con cá chẽm xứng đáng được xếp vào danh mục đối tượng nuôi chủ lực để có cơ chế, chính sách phát triển phù hợp.