Nhiều giải pháp hiệu quả
Thời gian qua, nhiều diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả và có nguy cơ bị thiếu nước đã được nông dân chủ động chuyển sang mô hình trồng rau màu và các loại cây trồng trên cạn trong các tháng mùa khô nhằm giảm sử dụng nước tưới. Trong canh tác nhiều loại rau màu, nông dân quan tâm sử dụng màng phủ nông nghiệp để che đậy, bảo vệ cho cây trồng nhằm hạn chế tưới nước cho cây trồng. Anh Lê Hồng Ngự ở ấp Thới Phong A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cho biết: “Thời gian qua, nông dân địa phương đã ứng dụng màng phủ nông nghiệp trong trồng nhiều loại rau màu trên nền đất ruộng như các loại dưa, ớt, cà chua, cà phổi... Màng phủ nông nghiệp được sử dụng để che đậy các bờ liếp trồng rau màu vừa giúp hạn chế tưới nước cho cây, cỏ dại ít phát triển”.
Ông Phạm Văn Lơ ở huyện Phong Điền sử dụng điện thoại thông minh để điều khiển hệ thống tưới nước tự động tại vườn cây ăn trái của mình.
Nông dân tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ cũng đã đầu tư, lắp đặt các hệ thống tưới nước nhỏ giọt và tưới phun tự động cho nhiều loại cây trồng như rau màu, hoa kiểng và cây ăn trái. Việc tự động hóa khâu tưới nước cho cây trồng đã giúp nông dân tiết kiệm được nhiều thời gian và giảm chi phí, đồng thời nâng cao được hiệu quả tưới nước, nhất là đối với cây ăn trái.
Ông Phạm Văn Lơ ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, cho biết: “Đã lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động cho vườn nhãn của mình từ 4 năm nay, rất hiệu quả bởi nó giúp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí và có thể điều khiển tưới nước từ xa qua chiếc điện thoại thông minh. Trước đây, khi chưa có hệ thống tưới nước tự động này, để tưới nước cho vườn nhãn rộng 1 héc-ta, tôi phải mất nửa ngày, còn hiện nay chỉ khoảng 60 phút. Ước tính mỗi lần tưới, tôi chỉ tốn hơn 10.000 đồng tiền điện, thấp hơn gần 20 lần so với mướn nhân công để tưới nước bằng xuồng chở máy chạy xăng”. Theo ông Lơ, tổng chi phí để đầu tư lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động cho vườn cây của ông là 60 triệu đồng, tương đương 6 triệu đồng/cây. Dù chi phí đầu tư ban đầu có hơi cao nhưng lợi ích mang lại rất lớn, giúp nông dân chủ động triển khai tưới nước cho cây nhanh chóng khi cần thiết. Đồng thời, giúp hạn chế tình trạng vườn cây bị sạt lở và xói mòn đất do tưới nước không đều hoặc do nhà vườn đi lại quá nhiều trong quá tình chăm sóc, tưới nước cho cây.
Hỗ trợ nông dân
Cần Thơ hiện có hơn 114.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Với khoảng 78.000ha đất canh tác lúa, mỗi năm TP Cần Thơ sản xuất 3 vụ lúa đạt sản lượng từ 1,3-1,4 triệu tấn, trong đó lúa chất lượng cao và lúa thơm, đặc sản chiếm tỷ lệ trên 95%. Bên cạnh đó, thành phố có khoảng 1.915ha đất trồng cây hằng năm khác và 30.872ha đất trồng cây lâu năm, trong đó có hơn 25.000ha cây ăn trái. Sản lượng trái cây đạt hơn 194.500 tấn, sản lượng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày đạt hơn 200.000 tấn/năm. Để nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt và giúp giảm vất vả cho người nông dân, thời gian qua ngành chức năng thành phố đã tích chực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có việc áp dụng các hệ thống tưới nước tự động cho cây trồng và giải pháp nhằm quản lý, sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả cao.
Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, Hội Nông dân TP Cần Thơ cùng các cấp chính quyền thành phố và địa phương đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn, xây dựng mô hình trình diễn và tập huấn kỹ thuật để nông dân ứng dụng các công nghệ và các thiết bị, máy móc mới. Hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, mô hình hiệu quả vào sản xuất để có chất lượng sản phẩm tốt và đảm bảo an toàn thực phẩm. Vận động nông dân tăng cường liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp để hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất lúa, trồng rau màu, hoa kiểng và cây ăn trái. Qua đó, có điều kiện thuận lợi trong đầu tư, phát triển các cơ sở hạ tầng, thủy lợi một cách đồng bộ để giúp quản lý, sử dụng nước tưới tiết kiệm và hiệu quả, cũng như thuận lợi trong sản xuất đạt các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và nhà xuất khẩu.
Đến nay, tại hầu hết các quận, huyện có trồng cây ăn trái như Phong Điền, Ô Môn, Cờ Đỏ, Thốt Nốt… đã hình thành được các vùng trồng cây ăn trái tập trung và số vườn cây được nông dân lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động không ngừng tăng. Để giảm chi phí trong chăm sóc, tưới nước cho cây trồng, thời gian qua nhiều nông dân cũng đã quan tâm sử dụng các loại rơm rạ, cây cỏ... để che đậy cho gốc cây và cho các bờ liếp trồng rau màu, hoa kiểng hay cây ăn trái. Qua đó, giúp giữ độ ẩm cho đất nhằm giảm tần suất tưới nước cho cây trồng, cũng như giúp sử dụng nước tiết kiệm. Nông dân cũng đầu tư xây dựng các nhà lưới và nhà màng nhằm canh tác các loại rau màu, hoa kiểng đạt hiệu quả cao và chủ động sản xuất trước các điều kiện thời tiết bất lợi và mưa nắng cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, đối với sản xuất lúa, nông dân cũng đã được ngành Nông nghiệp hướng dẫn áp dụng các giải pháp về làm đất, về san phẳng mặt ruộng, thực hiện “tưới ngập khô xen kẽ”... nhằm sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả gắn với giảm phát thải khí nhà kính. Ngành Nông nghiệp đã quan tâm khuyến cáo nông dân thực hiện tốt việc làm phẳng mặt ruộng, chú ý kiểm tra gia cố các bờ bao, đê bao thường xuyên và tăng cường liên kết, thực hiện bơm tát nước theo hướng tập thể, đồng loạt trên quy mô lớn nhằm giảm hao hụt, thất thoát nước và giúp tiết kiệm chi phí...