|
  • :
  • :

Khi người nghèo có điểm tựa

Để đưa mục tiêu giảm nghèo đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững, huyện Lệ Thủy đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển các mô hình sinh kế, sản xuất nông nghiệp phù hợp, nâng cao hiệu quả kinh tế. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội ở địa phương…

Trao “cần câu” cho người nghèo…

Ông Trần Ngọc Luân (SN 1964), thôn Xuân Bắc 2, xã Hoa Thủy trước đây từng tham gia quân ngũ rồi phục viên trở về địa phương. Là hộ nghèo, cuộc sống và thu nhập của gia đình ông ở vùng bán sơn địa Hoa Thủy chỉ trông chờ vào 9 sào lúa, nhưng lúa cũng chỉ làm được một vụ. Vợ ông Luân ngày ngày “chạy chợ”  cũng chỉ kiếm được “ba cọc, ba đồng” nhờ vào những mớ rau, con cá, con vịt. Dù chăm chỉ, chịu khó nhưng cuộc sống của gia đình ông vẫn luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau. Muốn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt nhưng không có vốn, cái nghèo cứ thế đeo bám mãi với gia đình ông.

“Cuối năm 2023, gia đình tôi nhận được một con bò giống sinh sản trị giá 14 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Sau khi nhận bò, để bò phát triển và sinh sản tốt, ngoài việc chú trọng xây dựng chuồng trại, tôi còn chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã. Hàng ngày, các thành viên trong gia đình thay nhau chăn bò hoặc cắt cỏ về cho bò ăn. Với tôi, nhận được “cần câu” từ chính quyền đã giúp gia đình có thêm niềm tin và động lực để vươn lên thoát nghèo…”, ông Luân chia sẻ.

Thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thủy ai cũng biết đến hoàn cảnh của gia đình bà Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1972). Bởi, tuy gia đình là hộ nghèo ở địa phương nhưng bà vẫn dành mọi tâm sức để lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Nay, hai đứa con của bà đang theo học đại học tại Huế.

Người nghèo huyện Lệ Thủy có thêm động lực phát triển kinh tế khi được hỗ trợ bò giống.

Người nghèo huyện Lệ Thủy có thêm động lực phát triển kinh tế khi được hỗ trợ bò giống.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Hà cho biết, chồng đau ốm, bà không có công ăn việc làm. Hàng ngày, ai kêu đâu bà đi làm đó, cốt là có thêm tiền lo cho con cái học hành, chăm chồng ốm đau. Cả gia đình chỉ làm được một sào lúa nhưng cũng không đủ ăn. Để vơi bớt khó khăn hơn, bà Hà còn trồng thêm rau màu, nuôi vài con gà để kiếm thêm thu nhập. Nhưng, cái nghèo vẫn luẩn quẩn không thoát ra được, dù đã rất cố gắng…

“Để có tiền mua một con bò giống sinh sản, gia đình tôi phải tích góp một thời gian dài. Cuối năm 2023, chính quyền địa phương có gọi lên nhận một con bò giống sinh sản về nuôi, tôi mừng đến chảy nước mắt. Bởi, đây là tài sản lớn tôi nhận được. Nay, bò giống được hỗ trợ đang sinh trưởng tốt, kỳ vọng trong vài tháng nữa sẽ đem về thu nhập cho gia đình…”, bà Hà cho hay.

Trao đổi với lãnh đạo chính quyền xã Hoa Thủy và Sơn Thủy, được biết, cuối năm 2023, 28 hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương đã được Nhà nước hỗ trợ mô hình chăn nuôi bò cái lai Sind sinh sản. Đây là nguồn vốn nằm trong tiểu dự án 1, dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đang được triển khai cho 210 hộ gia đình, thuộc 11 xã trên địa bàn huyện Lệ Thủy. 

Mặc dù mới triển khai, nhưng đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tạo động lực vươn lên thoát nghèo. Qua đó, góp phần chung tay cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo bền vững trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”…

Hướng đến giảm nghèo bền vững

Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Nghĩa thông tin, hiện địa phương có 1.893 hộ nghèo (chiếm 4,47%), hộ cận nghèo 1.452 (chiếm 3,43%). Thời gian qua, xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, do vậy, các chính sách về giảm nghèo được địa phương thực hiện với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo…

Theo đó, với tinh thần “trao cần câu, không trao con cá”, chỉ tính trong năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Lệ Thủy đã hỗ trợ trên 500 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng chính sách từ mô hình sinh kế, hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng số tiền gần 6,5 tỷ đồng. Trong đó, đã triển khai với các mô hình: Nuôi bò sinh sản, nuôi gà lai chọi, nuôi ngan đen thương phẩm, gà kiến thương phẩm… 

Cùng với đó, huyện Lệ Thủy quan tâm, chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá...

 

Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Lệ Thủy cho biết thêm, qua triển khai các chính sách, dự án, tiểu dự án của chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn huyện, hầu hết các hộ nghèo đều được hỗ trợ và bước đầu có hiệu quả nhất định, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, địa phương còn gặp không ít khó khăn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đó là: Số lượng hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện già cả, neo đơn, ốm đau, bệnh tật, đối tượng bảo trợ xã hội vẫn chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số hộ nghèo; các thành viên thuộc hộ nghèo thiếu kiến thức kỹ năng sản xuất; việc triển khai các mô hình sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo vẫn còn khó khăn bởi mức đầu tư cho các mô hình còn thấp, nhỏ lẻ dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do các hộ nghèo sản xuất…

Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202407/khi-nguoi-ngheo-co-diem-tua-2219376/