|
  • :
  • :

Khảo sát một số mô hình sản xuất nông nghiệp và du lịch tại Yamanashi

Trong các ngày 20 và 21/8, đoàn công tác UBND tỉnh do đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đi khảo sát tại một số mô hình sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp và du lịch tại tỉnh Yamanashi (Nhật Bản). 

Cùng đi có các đồng chí: Phan Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Lê Vĩnh Thế, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN).  

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và đoàn công tác khảo sát tại doanh nghiệp vận tại Fu

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và đoàn công tác khảo sát tại doanh nghiệp vận tại Fugaku.

Đoàn công tác đã đi khảo sát tại DN vận tải Fugaku, là DN kinh doanh vận tải lớn nhất tỉnh Yamanashi. Ngoài vận tải đường bộ, Fugaku còn mở rộng kinh doanh kho bãi, phân phối hàng hóa.

Tiếp đó, đoàn công tác thăm khu nghiên cứu công nghệ lưu trữ năng lượng Komekurayama (hệ thống P2G). Hệ thống P2G (power to gas) là công nghệ sản xuất hydro xanh bằng cách điện phân nước sử dụng điện có nguồn gốc từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Hydro xanh không phát thải carbon dioxide trong quá trình sản xuất hoặc làm nhiên liệu, góp phần trung hòa carbon trên toàn cầu. Khu nghiên cứu công nghệ lưu trữ năng lượng Komekurayama có cơ sở quang điện quy mô lớn, có thể tích hợp sản xuất và lưu trữ hydro xanh, vận chuyển đến các nhà máy và cơ sở khác.

Nghe giới thiệu về khu nghiên cứu công nghệ lưu trữ năng lượng Komekurayama

Đoàn công tác nghe giới thiệu về khu nghiên cứu công nghệ lưu trữ năng lượng Komekurayama.

Được biết, tỉnh Yamanashi hiện đang dẫn đầu về nghiên cứu hydro và pin nhiên liệu tại Nhật Bản. Tại buổi khảo sát, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và đoàn công tác đã thảo luận cùng ban lãnh đạo nhà máy về việc hợp tác nghiên cứu, học tập và trao đổi kinh nghiệm triển khai thí điểm sản xuất hydro xanh tại Quảng Bình. 

Ngoài phát triển công nghiệp, năng lượng tái tạo, Yamanashi còn là vùng trồng cây ăn quả, trồng nho làm rượu vang nổi tiếng, dẫn đầu các tỉnh của Nhật Bản về sản lượng rượu nho. Các vườn cây ăn quả tại đây cũng trở thành điểm tham quan du lịch nông nghiệp hấp dẫn du khách.

Đến thăm vườn cây ăn quả tại Yamanashi, đoàn công tác tỉnh Quảng Bình mong muốn, trên cơ sở tương đồng về nông nghiệp, du lịch, thời gian tới, hai địa phương hỗ trợ nhau trong việc phát triển nông nghiệp, hướng đến phát triển các sản phẩm du lịch xanh…

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng Đến thăm vườn cây ăn quả tại Yamanashi

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng thăm mô hình trồng cây ăn quả tại Yamanashi.

Đoàn công tác UBND tỉnh cũng đã đi khảo sát Di sản thế giới núi Phú Sĩ. Đây là ngọn núi thiêng cao nhất Nhật Bản với 3.776m, được xem là biểu tượng của sự may mắn, tốt lành và tinh thần đoàn kết, kiên cường của nhân dân Nhật Bản. Núi Phú Sĩ đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2013 nhờ các giá trị văn hóa. 

Cùng sở hữu di sản thế giới, Quảng Bình và Yamanashi sẽ hỗ trợ nhau trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Hai địa phương sẽ thiết lập quan hệ hợp tác giữa Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình và Phòng Di sản thế giới núi Phú Sĩ, tỉnh Yamanashi, từ đó chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ về quản lý di sản thế giới, xúc tiến đầu tư.

* Một số hình ảnh tại chuyến khảo sát:

 

 

 

Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202408/khao-sat-mot-so-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-va-du-lich-tai-yamanashi-2220420/