|
  • :
  • :

Kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng

Trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, tỉnh Đồng Tháp có khả năng cung ứng nhiều loại nông sản...

Hình minh họa
Hình minh họa.

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Đồng Tháp, đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.340 ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. Dự kiến từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh có 1.230ha nhãn sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 11.600 tấn. Riêng huyện Châu Thành, từ nay đến cuối năm sẽ có hơn 340ha nhãn đến thời điểm thu hoạch, sản lượng dự kiến vào khoảng 4.000 tấn.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, tỉnh Đồng Tháp có khả năng cung ứng thêm nhiều loại nông sản khác như: Lúa với diện tích hơn 123.250ha, sản lượng ước đạt gần 550.000 tấn; xoài với diện tích hơn 3.770ha, sản lượng ước đạt gần 30.650 tấn; chanh với diện tích hơn 1.760ha, sản lượng ước đạt gần 21.500 tấn...

Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết diện tích trồng nhãn toàn tỉnh 3.130 ha, đang cho trái 2.536ha. Cơ cấu giống gồm nhãn da bò 54,5%, nhãn xuồng 22,9%, nhãn Ido 13%, thanh nhãn 8,3% và các giống nhãn khác 1,3%.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Hùng – Giám đốc HTX Nông sản an toàn An Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ do nằm trong vùng dịch nên HTX rất khó khăn trong tiêu thụ, giá bán cũng không được như ý muốn. Hiện, giá thành của hộ trồng nhãn từ 7.000 - 11.000 đồng/kg. Vừa qua, có đơn vị phân phối vào hỗ trợ tiêu thụ và mua với giá dưới 10.000 đồng/kg, hiện giá bán thấp hơn giá thành nên họ chỉ hòa thậm chí lỗ vốn.

Tại hội nghị, đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin, Cục đã có nhiều chương trình hợp tác, phối hợp với Bộ NN&PTNT giới thiệu các sản phẩm OCOP, nông sản trên các sàn TMĐT như: như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada… và hỗ trợ phát trực tiếp cho bà con để hỗ trợ hàng Việt Nam tiêu thụ nhanh hơn.

Trước diễn biến khó lường về lưu thông, tiêu thụ do tác động của dịch Covid-19, các chuyên gia nhận định việc đổi mới công tác xúc tiến theo hướng vừa thực hiện mô hình xúc tiến tiêu thụ truyền thống, vừa thông qua các nền tảng thương mại điện tử sẽ góp phần tích cực quảng bá, giới thiệu nông sản chủ lực của tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ Hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng với chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội về việc bao tiêu sản phẩm.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/cau-chuyen-nong-nghiep/202107/ket-noi-tieu-thu-nhan-va-san-pham-ocop-cua-tinh-dong-thap-soc-trang-779690/
Tin liên quan
Chưa có thông tin