Nhu cầu tiêu thụ dự báo tăng
Thu hoạch trái cây tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Nhu cầu tiêu thụ nhiều loại hàng hóa nông sản dự báo tăng cao, tạo thuận lợi cho nông dân tiêu thụ sản phẩm, nhất là khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, xuất khẩu nhiều loại nông sản vẫn còn gặp khó nên rất cần phối hợp tốt giữa các bộ ngành, địa phương, giữa nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Kịp thời tăng cường kết nối và liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản nhằm khai thác tốt thị trường nội địa vào dịp Tết Nguyên đán 2023, nhất là tại các thành phố lớn. Đặc biệt, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023 gần nhau nên nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dự báo tăng cao trong giai đoạn ngắn, do vậy cần phối hợp tốt giữa các bộ ngành, địa phương và đơn vị, doanh nghiệp... để đảm bảo nguồn cung, chất lượng và giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong nước.
Dịp Tết Nguyên đán 2023, TP Hồ Chí Minh dự kiến có nhu cầu tiêu thụ rất nhiều loại nông sản như rau củ quả, trái cây, gạo, thịt gia súc gia cầm, thủy sản và hoa kiểng. Do vậy, TP Hồ Chí Minh rất cần kết nối với các địa phương để đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết. Theo ông Phạm Huy Huệ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp, Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, dịp Tết Nguyên đán, thành phố có nhu cầu tiêu thụ rau củ quả khoảng 370.000 tấn, trong đó khả năng sản xuất của thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu. Cần khoảng 230.000 con heo nhưng thành phố chỉ đáp ứng 8-10% so với nhu cầu. Thủy sản cần khoảng 450.000 tấn, thành phố đáp ứng khoảng 15% nhu cầu. Nhiều mặt hàng khác như gạo, thịt gia cầm…thành phố cũng không tự sản xuất được nhiều mà cần nguồn hàng cung ứng từ các địa phương khác, nhất là các tỉnh, thành ở gần.
Ở TP Cần Thơ, nhu cầu các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ cho khoảng 1,2 triệu dân trên địa bàn là khá lớn. Đây cũng là cơ hội để nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tiêu thụ các loại nông sản, nhất là trong dịp cuối năm và Tết 2023. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, các sở, ngành chức năng thành phố cũng đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân trên địa bàn kết nối với các doanh nghiệp và thương lái để bao tiêu đầu ra cho nông sản trong dịp Tết. Đồng thời, thành phố cũng phối hợp các địa phương lân cận để kết nối, xúc tiến thu mua nông sản, thực phẩm thành phố còn thiếu.
Gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ
Nhằm kết nối thông tin cung cầu để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 của Bộ NN&PTNT vừa chủ trì tổ chức diễn đàn trực tuyến “Kết nối tiêu thụ các sản phẩm chủ lực phía Nam phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023”. Tại diễn đàn này, nhiều đại biểu cho rằng, xuất khẩu nông sản vẫn đang gặp khó, trong khi nhu cầu và sức mua một số loại hàng hóa vào dịp Tết Nguyên đán tới đây có thể không tăng cao như kỳ vọng, nhất là đối với hoa kiểng. Để đảm bảo đầu ra các loại nông sản cho nông dân và các doanh nghiệp trong nước, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm mở rộng xuất khẩu và khai thác tốt thị trường nội địa. Kịp thời kết nối người sản xuất với các nhà chế biến, kinh doanh sản phẩm để gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, chủ động nguồn hàng phục vụ thị trường Tết. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, kiến nghị “Để đẩy mạnh tiêu thụ các loại trái cây và nông sản, các bộ ngành và địa phương cần quan tâm tổ chức các hội chợ, các lễ hội gần thời điểm Tết để trưng bày, bán sản phẩm. Tăng cường Kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, kênh bán hàng online. Mở nhiều điểm chợ Tết, điểm bán trái cây có kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các tuyến đường, các chợ truyền thống vừa tạo không khí Tết nhộn nhịp, vừa tạo điều kiện tiêu thụ nhiều trái cây cho nông dân, tránh tình trạng ùn ứ hàng do không tiêu thụ được”.
Trung Quốc vẫn còn duy trì chính sách Zero COVID nên xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn gặp khó, trong khi thời gian qua thị trường này chiếm 50% tổng lượng trái cây tươi xuất khẩu của nước ta. Đồng thời, hiện các nước nhập khẩu cũng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và việc truy xuất nguồn gốc, chúng ta cần sản xuất đảm bảo an toàn, chất lượng gắn với vùng trồng và mã cơ sở đóng gói… Đây là vấn đề các địa phương cần quan tâm nhằm tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm nông sản của người dân. Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, áp lực trong tiêu thụ trái cây và nhiều loại nông sản trong tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là rất lớn, nhất là các loại trái như xoài, chuối, thanh long, chôm chôm…Do vậy, ngoài tổ chức tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước, chúng ta cần đẩy mạnh xuất khẩu. Các địa phương cần rà soát, cung cấp các số liệu cụ thể đối với từng mặt hàng, từng sản phẩm tại địa phương và tại các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 của Bộ NN&PTNT có sự phối hợp, cung cấp thông tin đầy đủ đến các doanh nghiệp, các đối tác để đảm bảo cho các loại hàng hóa nông sản được tiêu thụ kịp thời, không bị ứ đọng.