Tập trung sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ
Với mục tiêu tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc trưng riêng; đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước... Năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sông Mã đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về lãnh đạo thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025, định hướng năm 2030. Sau hơn 2 năm triển khai ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã góp phần tăng năng suất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập cho nông dân.
Hướng đến sản xuất nho hạ đen an toàn theo hướng hữu cơ, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã, xã Nà Nghịu đã đầu tư làm hệ thống nhà lưới rộng 5.000m². Trong quá trình chăm sóc không sử dụng thuốc diệt cỏ, các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học; tăng cường chất dinh dưỡng cho cây nho bằng việc sử dụng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học khác làm phân bón.
Ông Trần Ngọc Vương, Giám đốc Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã, chia sẻ: Chúng tôi đã sử dụng bạt che lối đi ngăn cách giữa các hàng nho, áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt để tiết kiệm chi phí công lao động và giữ ẩm cho đất. Đến nay, sản phẩm nho của Công ty đã được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; đang hoàn thiện hồ sơ để được chứng nhận là sản phẩm OCOP. HTX đã được huyện hỗ trợ nhãn mác đóng gói, tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, sản phẩm nho của chúng tôi đang được bày bán tại hệ thống siêu thị ở Hà Nội và các cửa hàng tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
Còn HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, xã Chiềng Khoong, hiện có 13 thành viên, quy mô sản xuất 50 ha cây ăn quả, trong đó, có 36 ha nhãn. Năm 2018, các thành viên HTX đã áp dụng kỹ thuật xử lý tạo nhãn chín sớm, rải vụ. Đến nay, HTX có 10 ha nhãn chín sớm, rải vụ.
Ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, xã Chiềng Khoong, cho rằng: Việc ứng dụng công nghệ cao vào làm nhãn chín sớm, rải vụ đã mang lại hiệu quả cao; không phải chịu cạnh tranh nhiều như nhãn chính vụ. Thời gian tới, HTX tiếp tục chuyển đổi một số diện tích nhãn chính vụ sang nhãn chín sớm, rải vụ. Cùng với xuất bán quả tươi, vào vụ nhãn, HTX còn thu mua khoảng 50 tấn quả/ngày để chế biến long nhãn; 100% long nhãn được sấy bằng công nghệ lò sấy hơi. Sản phẩm của chúng tôi đang được siêu thị BigC Thăng Long, VinMart Hà Nội nhập hàng, tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc.
Để mở rộng vùng cây ăn quả chất lượng cao, hướng đến xuất khẩu, huyện Sông Mã đã phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật) đánh giá và cấp 46 mã số vùng trồng, với diện tích trên 452 ha nhãn. Trong đó, 12 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ; 21 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 13 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand.
Cùng với đó, huyện Sông Mã chú trọng phát triển thương hiệu sản phẩm. Năm 2021, UBND tỉnh Sơn La đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Nhãn Sơn La" cho 25 HTX trên địa bàn. Có 78 hộ ở 12 bản của xã Chiềng Khương phát triển công nghệ phun sương tưới cho hơn 68 ha cây nhãn. Đây là sự khẳng định về danh tiếng và chất lượng nông sản, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động cung cấp các sản phẩm từ nhãn của địa phương vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng hành với các HTX, doanh nghiệp, hộ dân trong xây dựng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, huyện Sông Mã đã huy đồng, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Từ năm 2020 đến nay, huyện Sông Mã đã đầu tư 900 triệu đồng hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP lần đầu; 350 triệu đồng hỗ trợ chứng nhận sản phẩm OCOP; 950 triệu đồng hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ nông sản; 138 triệu đồng hỗ trợ thành lập HTX.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã tạo bước đột phá về hiệu quả sản xuất và giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác; hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung; bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ, ổn định, bền vững. Hiện nay, huyện đang tranh thủ huy động tối đa mọi thành phần kinh tế và nguồn lực của xã hội để đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, huyện đã phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng về đất đai, khí hậu; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các xã, thị trấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả. Đồng thời, chỉ đạo các các bộ phận chuyên môn lựa chọn, khảo nghiệm và hướng dẫn nông dân đưa vào trồng, lai ghép một số giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: Nhãn ghép, xoài lai, bưởi diễn, bưởi da xanh, cam vinh... để từng bước thay thế, cải tạo những diện tích cây đã bị già cỗi, thoái hóa, trở thành những vườn cây cho năng suất, chất lượng cao.
Mở rộng vùng cây ăn quả chất lượng cao
Ngoài ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, huyện Sông Mã còn tăng cường thu hút các doanh nghiệp, HTX, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực trồng, chế biến và tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, liên hiệp HTX, các HTX sản xuất cây ăn quả quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả Sông Mã trong và ngoài nước.
Đến nay, toàn huyện có 10.678 ha cây ăn quả; trong đó, 7.500 ha nhãn, gần 2.000 ha xoài, sản lượng năm 2023 ước đạt 90.000 tấn quả. Có 48/71 HTX, công ty sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP với diện tích trên 900 ha; có 86 ha nhãn sản xuất theo hướng hữu cơ. Giá trị sản xuất đất canh tác nông nghiệp bình quân đạt 65 triệu đồng/ha.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, huyện Sông Mã có trên 11.000 ha cây ăn quả, sản lượng 80.000 tấn. Trong đó, có 1.000 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; 1.000 cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ và 1.000 ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP; 300-500 ha nhãn sản xuất trái vụ; có từ 20-25 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến long nhãn, xoài sấy dẻo...Đồng thời, liên kết mở rộng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; 5% diện tích cây ăn quả sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 35%...
Hiện thực hóa mục tiêu trên, huyện Sông Mã đã đề ra lộ trình, giải pháp thực hiện. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về thành tựu ứng dụng và phát triển công nghệ cao. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao. Sử dụng giống có năng suất cao và chất lượng tốt, các giống biến đổi gen đã được phép sản xuất; quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.
Xây dựng các mô hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP...) trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, trình diễn, chuyển giao cũng như tổ chức sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, trọng tâm là HTX trong nông nghiệp nông thôn; phát triển các hình thức liên kết.
Có thể thấy việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Sông Mã đã tạo bước đột phá; làm xoay chuyển phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất an toàn hữu cơ, VietGAP; hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế, phù hợp. Qua các mô hình ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.