Cánh đồng Buôn Chóah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Ngọc Minh – TTXVN
Theo đó, ngành chức năng huyện Krông Nô khuyến cáo nông dân không sử dụng các loại hạt giống lúa thương phẩm của vụ trước để làm giống gieo trồng cho vụ tiếp theo. Đồng thời, khuyến cáo nông dân nên sử dụng các loại giống lúa đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn để gieo trồng. Khi mua giống nên chọn các cơ sở kinh doanh uy tín, có đủ các hồ sơ chứng minh nguồn gốc, chất lượng; việc mua bán cần hợp đồng, ràng buộc cụ thể và hóa đơn rõ ràng.
Cùng với đó, ngành chức năng huyện Krông Nô cũng khuyến cáo các tổ hợp tác, hợp tác xã, nông dân tham gia sản xuất, chế biến các sản phẩm được công nhận OCOP tuân thủ quy trình canh tác đã được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.
Vụ Hè Thu 2023, xã Buôn Choáh (Krông Nô) gieo sạ 650 ha lúa. Phần lớn diện tích lúa ở đây phát triển tốt, bảo đảm năng suất, chất lượng cao.
Tuy nhiên, một số diện tích lúa mắc bệnh lép hạt. Về nguyên nhân, ngành chức năng xác định, do một số hộ dân sử dụng lúa thương phẩm từ vụ mùa trước để làm giống dẫn tới cây lúa còi cọc, kém chất lượng, khả năng chống chọi với sâu bệnh hại thấp. Quá trình phát triển, loại lúa này thường bị nấm, vi khuẩn tấn công, làm hạt đen, lép.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, nông dân đã sử dụng lúa thương phẩm làm lúa giống cho khoảng 15% diện tích lúa trên cánh đồng Buôn Chóah trong vụ hè thu năm nay.
Cánh đồng xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông là nơi có diện tích lúa tập trung với năng suất, chất lượng cao nhất, nhì các tỉnh Tây Nguyên. Năng suất lúa tại cánh đồng này thường xuyên đạt mức khoảng 10 tấn/ha và gạo Buôn Chóah đã trở thành một thương hiệu khá nổi tiếng đối với người dân 2 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk.
Tháng 12/2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận sản phẩm gạo Buôn Chóah đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Tháng 01/2021, UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục công nhận vùng sản xuất lúa xã Buôn Chóah là 1 trong 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.