Các diễn giả chia sẻ về các giải pháp đầu tư phát triển nông nghiệp thuận thiên cho vùng ÐBSCL tại hội nghị.
Theo các đại biểu, thời gian qua, những chính sách khuyến khích thu hút đầu tư đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn của vùng ĐBSCL theo hướng thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với thách thức từ các đập thủy điện thượng nguồn, các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các biện pháp canh tác thâm canh, tăng vụ phá vỡ chế độ ngập lũ tự nhiên, ngăn cản quá trình bồi lắng phù sa và trao đổi nước; biến đổi khí hậu làm thay đổi lượng mưa, gia tăng hạn hán, xâm nhập mặn… Các động lực của vùng đã được khai thác tới ngưỡng giới hạn. Để giải quyết các vấn đề cấp bách đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế.
Các địa phương vùng ĐBSCL đề xuất cần có các giải pháp phù hợp cho vùng. Huy động các nguồn lực từ các thể chế tài chính trong và ngoài nước để triển khai nhóm biện pháp nông nghiệp thuận thiên phi công trình và nhóm giải pháp công trình phù hợp. Bên cạnh đó, cần liên kết khai thác tốt hơn các cơ chế chính sách đã có, gắn với huy động các nguồn lực để thực hiện về chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, triển khai các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn… Dịp này, các đối tác quốc tế như EU, Mỹ, Úc, FAO, UNDP, WWF, SNV, các quỹ tài chính quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước cũng cam kết cung cấp nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên; hình thành mạng lưới kết nối các nhà đầu tư quốc tế với các địa phương và doanh nghiệp trong nước cho khu vực ĐBSCL.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá, cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên. Đồng thời, phối hợp Chính phủ rà soát các hạng mục ưu tiên đầu tư các dự án không hối tiếc thông qua các dự án tại ĐBSCL; hỗ trợ thu thập, đánh giá, lựa chọn các mô hình/giải pháp thuận thiên và thực hiện thí điểm các mô hình thuận thiên và dự án thuận thiên trong nông nghiệp, chú trọng tới các giải pháp kết hợp hài hòa đồng bộ giữa công trình và phi công trình - thích nghi theo điều kiện tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, giải pháp an sinh xã hội, quản lý bền vững nguồn lực tự nhiên gắn với chuyển đổi số và cải cách thể chế chính sách. Hỗ trợ nguồn lực triển khai các chương trình, đề án... Bên cạnh đó, tạo cơ chế chính sách để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, đa giá trị, hiệu quả cao, tối ưu hóa các dịch vụ của hệ sinh thái phục vụ phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của vùng.