|
  • :
  • :

Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ

Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được coi là phương thức sản xuất tối ưu nhằm mang lại lợi ích kinh tế đối với người sản xuất, sức khỏe với người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Để lan tỏa các mô hình sản xuất sạch, an toàn, ngành Nông nghiệp đang thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân, hợp tác xã (HTX) xây dựng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ (HC) và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Nâng tầm nông sản

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Quốc Tuấn cho biết: Sản xuất NNHC không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường, mà còn giúp nông dân nâng cao kiến thức, tay nghề, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy sản xuất từ truyền thống sang an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Điều quan trọng là các sản phẩm này đáp ứng được các tiêu chuẩn phân phối tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch và thậm chí xuất khẩu, giải được “bài toán” đầu ra cho nông sản hiện nay.

Nắm bắt nhu cầu của thị trường, thời gian gần đây tỉnh đã phát triển các mô hình sản xuất theo hướng HC gắn với các sản phẩm chủ lực, như: Gạo, nấm, dưa lưới, cây dược liệu…

Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan (HTX Hưng Loan), xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) là một trong những đơn vị tiên phong sản xuất nông nghiệp theo hướng HC. Với diện tích 8ha đất, HTX đã sử dụng 4ha để trồng cây ăn quả và rau màu các loại, trong đó có 3 nhà màng với diện tích hơn 3.000m2 dùng để trồng dưa lưới, các loại rau, hoa theo chuẩn VietGAP.

Ông Võ Trung Tuấn, Giám đốc HTX Hưng Loan chia sẻ: So với sản xuất truyền thống, việc canh tác theo những quy trình nghiêm ngặt trong nhà màng đã tạo ra những sản phẩm sạch, có chất lượng cao. Do đó, thị trường tiêu thụ rộng hơn, đem lại thu nhập và hiệu quả cao hơn trên một đơn vị diện tích… Chỉ tính riêng trong hệ thống nhà màng, mỗi năm, trừ chi phí cũng đã thu về cho HTX hơn 200 triệu đồng.

Sản phẩm dưa lưới của HTX Hưng Loan được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sản phẩm dưa lưới của HTX Hưng Loan được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tuy nhiên, HTX làm nông nghiệp sạch (NNS) khi mà người dân chưa mấy quan tâm đến vấn đề chất lượng sản phẩm sạch là cả một thách thức lớn dù chi phí sản xuất sản phẩm NNS cao gấp nhiều lần sản phẩm thông thường. Sản phẩm trồng ngoài nhà màng thường mẫu mã không được bắt mắt nên khó khăn về đầu ra nhưng với tiêu chí đặt ra ban đầu, HTX sẽ không vì lợi nhuận mà bỏ quên mục tiêu là đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng bảo đảm sạch, chất lượng, đồng thời thay đổi cách nhìn của bà con về sản xuất NNS.

Theo Sở NN-PTNT, hiện, trên địa bàn tỉnh chưa có vùng sản xuất được công nhận đạt tiêu chuẩn HC, mà chỉ dừng ở VietGAP hoặc sản xuất theo hướng NNHC. Năm 2023, diện tích canh tác theo hướng NNHC khoảng 5.446ha, trong đó, diện tích lúa SRI 5.012ha, lúa theo hướng HC 100ha, rau các loại 112ha, cây ăn quả 10ha, số còn lại là diện tích chăn nuôi theo hướng HC và nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi theo hướng HC đang được ngành Nông nghiệp đẩy mạnh. Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc ngày càng diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao, việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng HC là một trong những giải pháp mà ngành Nông nghiệp, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang hướng tới để phát triển chăn nuôi bền vững. Những năm gần đây, đơn vị đang triển khai thực hiện một số mô hình điểm chăn nuôi lợn theo hướng HC nhằm giảm chi phí chăn nuôi cũng như hạn chế dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hải, xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) là hộ gia đình được hỗ trợ 50% con giống, thức ăn, vắc-xin, men vi sinh và 100% tư vấn kỹ thuật để chăn nuôi lợn theo hướng HC. Theo chị Hải, quy trình nuôi HC không nhất thiết phải dùng đến thức ăn chăn nuôi nhà máy mà người nuôi chỉ cần sử dụng sản phẩm nông nghiệp như bột ngô, cám, bột sắn… Những sản phẩm này được phối trộn với chế phẩm sinh học theo tỷ lệ của trọng lượng đàn lợn rồi ủ trong vòng 24 giờ cho lên men là sử dụng cho lợn ăn nên giảm được chi phí sản xuất. Việc sử dụng đệm lót sinh học đã xử lý tốt chất thải, hạn chế lây lan dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững. Được hỗ trợ từ năm 2022, đến nay gia đình vẫn duy trì tổng đàn 50 con/lứa bằng phương pháp này.

Sau 3 năm triển khai mô hình chăn nuôi lợn theo hướng HC, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí cho 20 hộ dân tại 7 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh với gần 1.200 con lợn nuôi thương phẩm được xuất bán và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Hiện, chi cục vẫn đang tiếp tục hỗ trợ và nhân rộng mô hình, ưu tiên các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tăng cường các giải pháp

Từ những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng HC được Sở NN-PTNT hỗ trợ, các doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất, quan tâm ứng dụng công nghệ cao, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, nhà lưới, nhà màng trong sản xuất; áp dụng nhiều giải pháp phát triển xanh với các mô hình nông nghiệp tuần hoàn HC, sử dụng các loại phân bón HC tự nhiên và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 cơ sở được cấp mã số vùng trồng; 70 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP (trong đó, 51 cơ sở trồng trọt, 13 cơ sở chăn nuôi, 6 cơ sở nuôi trồng thủy sản); có 13 điểm kinh doanh được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn với 20 sản phẩm được chứng nhận.

Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển NNHC trên địa bàn tỉnh chỉ mới mang tính sản xuất theo hướng HC, vẫn còn nhiều khó khăn, như: Yêu cầu đầu tư lớn trong khi thời gian hoàn vốn lâu; thị trường tiêu thụ không ổn định, gặp nhiều khó khăn do năng suất thấp nhưng giá thành cao trong khi hình thức mẫu mã không đẹp, không bắt mắt; nhận thức về NNHC của người sản xuất lẫn người tiêu dùng chưa đầy đủ; sản phẩm an toàn thì nhiều, chứ đạt tiêu chuẩn HC thì chỉ mới có 1 sản phẩm là Gạo HC Sông Gianh của Công ty CP Tổng công ty Sông Gianh; các mô hình phát triển theo hướng HC còn manh mún, nhỏ lẻ; tập quán canh tác của người dân sản xuất truyền thống theo hướng tự do, chưa quen với quy trình chặt chẽ; thói quen trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước… Đặc biệt, mức sống của người tiêu dùng tại địa phương còn thấp nên thị trường nội tỉnh cho sản phẩm HC còn hạn chế; sự mập mờ giữa sản phẩm sạch và không sạch, an toàn và không an toàn khiến thị trường đầu ra bấp bênh…

Theo ông Trần Quốc Tuấn, thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục đánh giá các điều kiện liên quan (khí hậu, đất đai, cây trồng…) để khoanh vùng sản xuất HC cho từng loại cây trồng, vật nuôi hợp lý; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tính tất yếu của sản xuất NNHC nhằm thay đổi tập quán của người sản xuất cũng như việc lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực hành NNHC tại địa phương; xây dựng các mô hình NNHC điển hình; quản lý chặt chẽ vật tư sử dụng trong sản xuất HC như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất bảo quản, chất phụ gia, thức ăn chăn nuôi… Đặc biệt là phải có chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp HC, NNS. 

Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202406/huong-den-nen-nong-nghiep-huu-co-2218503/
Tin liên quan
Chưa có thông tin