Hoạt động sản xuất lúa ở HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt ở xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Người có công đầu xây dựng HTX là ông Đoàn Văn Tài, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của HTX. Vốn là nông dân, nhưng có thời gian dài công tác tại Hội Nông dân xã Trung Ngãi, ông Tài nhận thấy, sản xuất lúa thường không mang lại lợi nhuận cao cho nông dân vì hay bị thiên tai, sâu bệnh gây hại, bị rớt giá… lại ảnh hưởng đến môi trường đồng ruộng do thâm canh, sử dụng nhiều nông dược, phân bón. Năm 2012, ông bắt tay tìm tòi, nghiên cứu sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Sau nhiều lần thất bại, đến năm 2014, ông đã xây dựng được quy trình sản xuất lúa theo hướng này và năm 2016 vận động được 7 hộ nông dân xung quanh thành lập tổ hợp tác sản xuất 6ha lúa hữu cơ.
Sau 1 năm, hoạt động sản xuất lúa sạch của tổ hợp tác đã mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế lẫn môi trường, nên đã thu hút thêm nhiều hộ tham gia. Đến năm 2017, HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt chính thức thành lập với 65 thành viên, diện tích 60ha và liên tục gặt hái nhiều thành công. 5 năm liền (2016-2021), HTX được cấp chứng nhận hữu cơ cho vùng sản xuất lúa theo 2 tiêu chuẩn hàng đầu của quốc tế của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và của châu Âu (EU) trên diện tích 30ha. Đến cuối năm 2023, HTX có 85 thành viên, diện tích đất sản xuất 100ha, được cấp thêm 2 chứng nhận hữu cơ nữa theo tiêu chuẩn JAS (Nhật), COR (Canada) trên cùng diện tích 30ha, là một trong những HTX đầu tiên cả nước đạt được 4 tiêu chuẩn này và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương là HTX tiêu biểu toàn quốc. Việc chứng nhận tạo điều kiện cho sản phẩm lúa, gạo của HTX vươn xa hơn trên thị trường thế giới. Đạt được thành tựu đó là nhờ HTX có hướng đi riêng. Ngoài sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, HTX còn tiến hành sơ chế lúa, gạo đóng gói, chế biến các sản phẩm sau gạo và kết hợp chặt chẽ các doanh nghiệp sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị nhằm tăng giá trị sản phẩm, lợi nhuận cho nông dân.
Sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ, thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận, tư vấn cho xã viên về kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhất là khâu chọn, sử dụng giống lúa, nên xã viên sản xuất ngày càng giảm công sức lao động, lợi nhuận cao hơn khoảng 3 lần so với sản xuất lúa thông thường, đời sống được cải thiện tốt dần lên. Trong sản xuất, xã viên sử dụng chủ yếu các loại phân bón, nông dược có nguồn gốc hữu cơ nên góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả; các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm, có tiêu chuẩn xuất khẩu tốt cũng được sử dụng hầu hết diện tích gieo sạ như ST24, ST25, Đài Thơm 8, OM 4900 và lúa tím thảo dược Tấn Đạt. Do sản xuất theo hướng hữu cơ nên môi trường ở vùng sản xuất của HTX được cải thiện đáng kể, đồng ruộng có cá đồng, cua, tép… Nông dân đã quen với canh tác lúa tiên tiến, nhất là sử dụng giảm lượng giống, cấy thưa, dùng thuốc sinh học bảo vệ thiên địch…
Theo ông Đoàn Văn Tài, mặc dù lúa của HTX có giá bán cao hơn lúa sản xuất bên ngoài, nhưng để tăng giá trị, lợi nhuận trong cùng diện tích sản xuất lúa thì phải chế biến sản phẩm từ sau lúa, sau gạo. Xuất phát từ ý tưởng đó, HTX đã sản xuất và xây dựng nhãn hiệu gạo Tấn Đạt và gạo tím Tấn Đạt. Lúa thơm hữu cơ ngoài đồng ruộng được xã viên đem về nhà máy xay xát ra gạo rồi đóng gói, bán ra thị trường với 2 thương hiệu gạo hữu cơ Tấn Đạt với sản lượng khoảng 10-15 tấn gạo/tháng. Đây là 2 loại gạo thơm ngon, chứa nhiều dinh dưỡng, có tác dụng hỗ trợ sức khỏe cho những bệnh nhân bị tiểu đường, tim mạch, người cao tuổi. Bên cạnh, HTX còn chế biến các sản phẩm sau gạo với công suất trên 20 tấn/tháng, như gạo lứt thảo dược "hạt rang", trà gạo lứt thảo dược túi lọc, bột gạo thảo dược, bột gạo lứt đỏ, sữa chua gạo lứt… được bán tại các đại lý, cửa hàng bán lẻ trong, ngoài tỉnh và được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu...
Ông Lê Văn Thăm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũng Liêm cho hay, sở dĩ HTX đang có xu hướng phát triển tốt là vì HTX có hướng đi riêng. Dựa vào lợi thế là vùng đất chuyên trồng lúa, xã viên là những nông dân có kinh nghiệm trong nghề trồng lúa nước và có cơ sở hạ tầng đồng ruộng thuận lợi (thủy lợi, giao thông khép kín, chủ động tưới tiêu...), nên HTX mạnh dạn sản xuất lúa theo hướng tiên tiến, thân thiện với môi trường, đó là sản xuất theo hướng hữu cơ và đã thành công. Ngoài ra, HTX còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hàng năm xuất ra khoảng 1 tỉ đồng giúp hộ nghèo, các xã viên thông qua hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp. Từ đó càng khuyến khích xã viên tham gia và gắn bó với HTX, khơi dậy phong trào phát triển kinh tế tập thể ở địa phương.
Trong năm 2024-2025, HTX sẽ được tỉnh hỗ trợ lắp đặt hệ thống dây chuyền xay xát gạo hữu cơ có công suất 2 tấn/giờ, có thông số kỹ thuật cao điều chỉnh cho từng kích cỡ gạo, xay xát tỷ lệ gạo gãy vụn thấp, gạo nguyên liệu thu hồi cao thông qua dự án "Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị hệ thống xay xát gạo cho HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt" do Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh tài trợ. Qua đó giúp HTX khép kín quy trình sản xuất lúa gạo hữu cơ đạt chuẩn quốc tế từ khâu sản xuất, chế biến đến đóng gói và thương mại với thương hiệu gạo Tấn Đạt; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP gạo của HTX đạt tiêu chí từ 3 sao trở lên.