|
  • :
  • :

Hội thảo tham vấn xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi

Sáng ngày 27/11/2023, tại Trung tâm Hội nghị Toàn Thịnh, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn Xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi.

Hội thảo do Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp Sở NN&PTNT Sóc Trăng và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam tổ chức. Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản; đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã -Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng; các nhà khoa học, các chuyên gia thủy sản; lãnh đạo Hiệp hội thủy sản, Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh; lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp thủy sản; tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Hội thảo tham vấn xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi - Ảnh 1.

Các đại biểu là nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, người nuôi tôm tham dự hội thảo

Ngành tôm đối mặt với nhiều rủi ro về dịch bệnh

Theo báo cáo, trong năm 2023, diện tích thả nuôi tôm cả nước 737.000ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn. Riêng tỉnh Sóc Trăng, tính đến thời điểm hiện tại diện tích thả nuôi tôm nước lợ ước đạt trên 52.323ha, vượt 2,6% so với kế hoạch. Sản lượng thu hoạch ước đạt 200.817 tấn, đạt hơn 97 % so kế hoạch. Tỷ lệ thiệt hại được khống chế ở mức dưới 04%, giảm 0,9% so cùng kỳ năm trước. 

Diện tích thiệt hại xảy ra rải rác ở các mô hình và các địa phương, nguyên nhân thiệt hại chủ yếu do bệnh đốm trắng, yếu tố môi trường, bệnh gan tụy, vi bào tử trùng và phân trắng. Theo đó, diện tích tôm nuôi nước lợ đã thu hoạch hơn 43.697ha, chiếm tỷ lệ 83% diện tích thả, tôm trên đồng. Ước sản lượng tôm nuôi đến cuối năm đạt 210.000 tấn, tăng 4,48% so với năm trước.

Đại biểu tham gia đóng góp các nội dung trọng tâm cho phát triển ngành tôm bền vững như: cách phòng ngừa bệnh vi bào tử trùng trên tôm nuôi nước lợ; các mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả; cách thức nuôi tôm giảm giá thành cho người nuôi tôm; áp dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý con tôm nuôi nước lợ; phòng ngừa một số bệnh thường gặp trên tôm; quy trình tầm soát, kiểm nghiệm tôm nuôi để ngừa dịch bệnh; giới thiệu hệ thống oxy trong ao nuôi tôm…

Ông Huỳnh Ngọc Nhã- Giám đốc Sở NNTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hội thảo là diễn đàn để các bên cùng lắng nghe, chia sẻ, thảo luận và đề ra các giải pháp, mô hình nuôi tôm hiệu quả. Là cơ hội để người nuôi tôm nắm bắt thông tin, công nghệ, mô hình nuôi mới, các cơ chế chính sách, tình hình thị trường… từ đó giúp giảm rủi ro, nâng cao hiệu quả và giá trị ngành tôm trong thời gian tới. Năm nay là một năm hết sức khó khăn của ngành tôm và Sóc Trăng cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, theo ông Nhã, sản lượng tôm của tỉnh vẫn đạt khá cao khi ước đạt 210.000 tấn, tăng 9% so cùng kỳ và kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt trên 900 triệu USD.

Cũng theo ông Nhã, ngành tôm đang ngày càng đối mặt với nhiều thách thức lớn đến từ: biến đổi khí hậu (thời tiết, môi trường, dịch bệnh…), thị trường khó lường, do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới và những bất ổn an ninh, chính trị trên thế giới. Về nội tại, những vấn đề trong quản lý trách nhiệm của chuỗi ngành hàng, như: quản lý giống, vật tư đầu vào; cơ chế chính sách tín dụng cho nông nghiệp, môi trường và chất lượng nguồn nước, liên kết tiêu thụ trong chuỗi… vẫn còn không ít bất cập, cần được quan tâm nhiều hơn.

Hội thảo tham vấn xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi - Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng của hội thảo trong việc giúp người nuôi tôm hiệu quả hơn, giá thành cạnh tranh hơn.

Khuyến khích nuôi tôm theo mô hình VietGAP

Theo Cục trưởng Trần Đình Luân, trong thời gian tới, ngành tôm Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng tư duy hệ thống; phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nên việc kiểm soát tốt các điều kiện nuôi là một vấn đề hết sức quan trọng. “Thay vì cứ ngồi đó than vãn, kêu ca thì tại sao chúng ta không cùng nắm tay nhau, cùng chia sẻ những kết quả, giải pháp có hiệu quả để giúp nhau có sự điều chỉnh quy trình hay mô hình nuôi ngày càng hiệu quả hơn. Đó mới là cách thể hiện tính cộng đồng trong nuôi tôm và cũng là mục tiêu mà hội thảo của chúng ta hôm nay muốn hướng đến” – Cục trưởng chia sẻ.

Ông Trần Đình Luân cũng cho biết: Trong thời gian tới sẽ phát triển ngành tôm Việt Nam theo hướng tư duy hệ thống; phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, ngành Thủy sản sẽ kiểm soát điều kiện nuôi, khuyến khích hộ nuôi áp dụng GAP; quản lý chất lượng, giá vật tư đầu vào; quan trắc môi trường dịch bệnh và cảnh báo sớm tại các vùng sản xuất tập trung; tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị; ứng dụng quy trình sản xuất giảm chi phí đầu tư. Phát triển thị trường bằng cách xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chính; nâng cao chất lượng giống, phát triển các công nghệ, giải pháp kỹ thuật nuôi hiệu quả, thân thiện với môi trường…

Do đây là diễn đàn mới nên dù thời gian chỉ gói gọn trong 1 buổi, nhưng có rất nhiều kinh nghiệm thành công lẫn thất bại được chia sẻ, nhiều cách làm hay được giới thiệu, nhiều ý kiến thảo luận và cả tranh luận rất hữu ích mà người nuôi tôm dễ dàng tiếp cận tại hội thảo lần này. Ngay cả ông Võ Quan Huy – Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh cũng phải thừa nhận: “Đây là một trong những hội thảo hay và rất ý nghĩa mà tôi từng dự vì các vấn đề được đạt ra tại hội thảo này là rất sát với tình hình thực tế của ngành tôm chúng ta hiện nay”. Ông Huy cũng kiến nghị với Cục trưởng làm sao có tiếng nói để có chương trình tín dụng đặc biệt dành cho người nuôi tôm, bởi đây cũng chính là nút thắt lớn làm cho giá thành nuôi tôm của chúng ta cao hơn các nước.

Hội thảo tham vấn xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi - Ảnh 3.

Ông Võ Văn Phục – Tổng giám đốc Công ty Vinacleanfood chia sẻ kinh nghiệm về mô hình nuôi và giải pháp tổng hợp phòng EHP hiệu quả

Sôi động và hấp dẫn nhất có lẽ là những chia sẻ kinh nghiệm về mô hình nuôi tôm hiệu quả và giải pháp tổng hợp phòng chống EHP do ông Võ Văn Phục – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản sạch Việt nam trình bày. Ngoài ra còn có chia sẻ của ông Hoàng Thanh Vũ – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta về những dự báo tình hình thị trường tôm quý I/2024 cũng như trong 2-3 năm tới cùng cách nuôi giúp giảm chi phí sản xuất, như: không sử dụng lưới lan, không ô xy đáy, không ương tôm, không xử lý vi khuẩn định kỳ… vẫn giúp đạt tỷ lệ thành công và năng suất cao. Đặc biệt, ông Vũ còn mang đến hội thảo phương pháp tầm soát EHP ngay từ trại giống bằng cách lấy nguồn thải của các ao đang ương của trại giống…

Rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, cách làm bổ ích cho người nuôi tôm được các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, viện, trường…trong phòng trị EHP, quản lý thức ăn, xử lý môi trường, quản lý trại nuôi… tại hội thảo lần này. 

Đánh giá cao các ý kiến chia sẻ, thảo luận của các đại biểu, Cục trưởng Trần Đình Luân một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc liên kết chuỗi giá trị ngành hàng. Cục trưởng nêu rõ: “Chúng ta không ngại cạnh tranh về giá với các nước, nhưng chỉ khi nào, tất cả các bên trong chuỗi giá trị ngành tôm cũng nắm lấy tay nhau, khi đó giá thành tôm nuôi của chúng ta mới có thể giảm ở mức cạnh tranh được”.

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/hoi-thao-tham-van-xay-dung-mo-hinh-nuoi-tom-hieu-qua-va-phong-benh-tren-tom-nuoi-20231219082023606.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin