Sản phẩm OCOP của Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL được trưng bày, quảng bá ở Sự kiện Agritechnica Asia Live 2022 tại TP Cần Thơ.
Dịch COVID-19 được kiểm soát tốt đã tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất nông nghiệp và có nhiều thuận lợi trong tiêu thụ và xuất khẩu các loại nông sản. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và các loại dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, sự tăng giá của các loại vật tư đầu vào và đầu ra nhiều loại nông sản chưa ổn định.
Trong bối cảnh trên, ngành Nông nghiệp thành phố đã hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tăng cường liên kết hợp tác, đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành và nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí và đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm để có đầu ra thuận lợi, cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp điều kiện sản xuất từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Quan tâm xây dựng, quảng bá sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ bằng nhiều hình thức trực tiếp và trực tuyến, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nông nghiệp... Với sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền và sự nỗ lực vượt khó của toàn ngành, Cần Thơ đã đạt được tốc độ tăng tổng sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2022 tăng 3,29%, cao hơn mức 2,5% theo như kế hoạch. Thành phố đã có 74 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), gồm 50 sản phẩm 4 sao và 24 sản phẩm 3 sao của các chủ thể là cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ dân và hợp tác xã. Trong đó, có 33 sản phẩm hạng 3,4 sao vừa được công nhận trong năm nay, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu phát triển thêm từ 20-25 sản phẩm OCOP của cả năm 2022.
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, qua 9 tháng, tổng diện tích gieo trồng lúa đạt 222.376ha, vượt 5% so với kế hoạch năm, với sản lượng lúa đã thu hoạch hơn 1,27 triệu tấn, vượt 3% kế hoạch, tăng 4% so cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao và các giống lúa thơm đặc sản là trên 95% và thành phố có 136 cánh đồng lớn, với diện tích trên 33.576 ha/vụ. Tổng diện tích xuống giống trồng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày đạt 16.133ha, tương đương so với cùng kỳ năm trước và vượt 6% so với kế hoạch. Diện tích vườn cây ăn trái đạt 24.015ha, đạt 97,4% kế hoạch, với sản lượng trái đã thu hoạch khoảng 162.885 tấn, đạt 98% kế hoạch. Diện tích thả nuôi thủy sản 9.064ha, tăng 6% so cùng kỳ năm trước, vượt 7% kế hoạch. Ðàn gia cầm hơn 2 triệu con, vượt 1,4% kế hoạch, tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước…
Tại hội nghị sơ kết công tác 9 tháng của năm 2022 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh những điều kiện thuận lợi và cơ hội đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường được dự báo tăng cao dịp Tết 2023, thì sản xuất nông nghiệp vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn. Các cấp chính quyền và ngành Nông nghiệp cần tiếp tục quan tâm giúp nông dân chủ động ứng phó các điều kiện sản xuất bất lợi và kịp thời tháo gỡ các khó khăn để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững. Ðặc biệt, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng với sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa nông dân và doanh nghiệp và phát triển sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo ông Bùi Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Ðỏ, nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản và rất cần hỗ trợ của ngành chức năng, nhất là trong bối cảnh diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và giá vật tư chi phí đầu vào đang tăng cao. Mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tại nhiều nơi cũng chưa bền vững và nông dân cũng còn thiếu thông tin, kiến thức về nông nghiệp an toàn, về sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ và bền vững. Bên cạnh hỗ trợ người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi sản phẩm chủ lực của huyện, hiện Cờ Ðỏ cũng quan tâm bố trí sản xuất các loại cây trồng vật nuôi phù hợp từng vùng và điều kiện đất đai...
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè lưu ý, sản xuất nông nghiệp vẫn còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và biến động thị trường. Sở NN&PTNT cùng các đơn vị trực thuộc Sở và địa phương cần nỗ lực tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm. Theo dõi sát diễn biến thời tiết, thủy văn và thị trường tiêu thụ sản phẩm để có kế hoạch ứng phó kịp thời và tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Triển khai, quán triệt thực hiện đầy đủ các văn bản, chỉ đạo của Trung ương, thành phố trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thực hiện sản xuất chất lượng, an toàn theo đơn đặt hàng doanh nghiệp. Hỗ trợ nông dân thu hoạch tốt vụ lúa thu đông, xuống giống lúa đông xuân và các loại rau màu, hoa kiểng và vật nuôi phục vụ thị trường những tháng cuối năm và dịp Tết 2023. Tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ người dân xây dựng, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật và thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp sản xuất đạt hiệu quả cao. Tập trung phát triển sản phẩm OCOP nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và phát huy các sản phẩm có lợi thế tại địa phương...