|
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn tỉnh xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu |
Vừa qua khi phía Trung Quốc cho phép Việt Nam xuất khẩu sầu riêng qua con đường chính ngạch đã mở ra triển vọng cho vùng sầu riêng của cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng.
Lâm Đồng sớm vạch ra lộ trình xuất khẩu trái cây chính ngạch vào Trung Quốc đối với loại trái này. Qua đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hỗ trợ 14 đơn vị xây dựng mã số vùng trồng gồm Đạ Huoai: 6 mã; Đạ Tẻh: 2; Cát tiên: 1; Bảo Lộc: 1; Bảo Lâm: 1; Di Linh: 1; Đam Rông: 1; Lâm Hà: 1.
Trong đó, Chi cục hỗ trợ, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm; áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng hóa chất hoặc sinh học và các biện pháp canh tác khác…
Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, mã số vùng trồng là tiêu chuẩn cơ sở để doanh nghiệp có thể xuất khẩu hàng hóa nông sản của mình. Mục đích chính là kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại đến vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản. Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.