|
Nông dân sản xuất chè an toàn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Hồng Thắm |
Về xã Lộc Quảng, nhìn những nương chè tươi tốt sắp bước vào thời kỳ thu hái đủ để thấy được công sức của người dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Ba, Thôn 7, xã Lộc Quảng chia sẻ: Tôi gắn bó với cây chè từ mười mấy năm qua, gia đình có hơn 1 ha chè giống TB14, trước đây, người dân ở đây chủ yếu sản xuất chè hạt theo kinh nghiệm, ít chú ý đến quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên nên năng suất chè không cao, thêm vào đó, việc người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học chưa hợp lý, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chè thành phẩm. Khi được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi giống chè ô long, đầu tư KHKT mà đặc biệt là chuyển hướng trồng chè VietGAP liên kết với công ty nên sản phẩm chè chất lượng tốt, sức mua tăng nên giao dịch nhanh, hái đến đâu bán hết đến đó.
Doanh nghiệp (DN) tư nhân Tam Dương, ở xã Lộc Quảng là một trong những đơn vị đi đầu trên địa bàn huyện Bảo Lâm về việc xây dựng mô hình trồng chè ôlong xuất khẩu. Hiện, công ty có hơn 50 ha đất sản xuất trồng chè, trung bình mỗi năm, công ty sản xuất 6 lứa chè, mỗi lứa hơn 120 tấn chè nguyên liệu dùng để sản xuất trà ôlong. Ông Lại Thế Cần, Giám đốc Công ty Tam Dương cho biết, công ty đã xây dựng được vùng chè VietGAP, đây là vùng nguyên liệu đạt chuẩn không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn phục vụ cho công tác xuất khẩu. Bên cạnh đó, công ty còn đồng hành hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời bao tiêu sản phẩm chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường. Bà con sẽ phải làm quen với việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, thu gom xử lý rác thải, sử dụng thuốc và phân bón đúng danh mục, đúng quy định. Hiện, 80% sản phẩm của công ty làm ra để xuất khẩu sang thị trường Nhật, Úc, Đài Loan... còn lại là thị trường trong nước. Tổng doanh thu của DN đạt hơn 20 tỷ đồng/năm.
Thâm canh trên cây chè, nông dân vùng chè Bảo Lâm đang tự khẳng định sức phấn đấu của mình, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.
Ông Lê Văn Tuế - Chủ tịch UBND xã Lộc Quảng cho biết: Việc triển khai, hỗ trợ người dân sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu đã tạo những thay đổi về tư duy, nhận thức của người dân trong phương thức và cách thức sản xuất chè an toàn. Đến nay, toàn xã có trên 445 ha trồng chè, sản lượng trong 5 tháng đầu năm khoảng trên 2.100 tấn búp, là vùng nguyên liệu chè sạch đáp ứng nhu cầu cho thị trường, đặc biệt cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Hiện tại, xã đã xây dựng các liên minh sản xuất, tổ hợp tác trong sản xuất chè, tạo liên kết giữa trang trại, hộ dân trồng chè, các nhà máy chế biến... để giải quyết tốt đầu ra ổn định cho sản phẩm chè.
Không hiếm tìm thấy những vườn chè VietGAP ở Bảo Lâm với sản phẩm chè làm ra chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng nghĩa giá cả bán ra ổn định nên hiện tại thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác chè đạt từ 70-110 triệu đồng/ha/năm. Ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bảo Lâm cho biết, từ việc chú trọng vào khâu sản xuất và chế biến, chất lượng sản phẩm chè ngày càng được khẳng định, chiếm được vị thế trên thị trường.
Công tác chuyển đổi giống chè hạt, già cỗi sang giống chè có năng suất, chất lượng cao như chè ôlong, chè cành TB14,... luôn được huyện quan tâm triển khai thực hiện. Trong năm 2021, chuyển đổi được 301 ha, tăng 221 ha so với năm 2020. Lũy kế đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 6.221 ha/7.200 ha, đạt 86,4% diện tích chè toàn huyện. Diện tích cây chè sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao lũy kế đến nay 1.620 ha, chiếm 81% so với kế hoạch, tăng 120 ha so với năm 2020. Sản lượng chè đạt 112.346 tấn, năng suất bình quân đạt 141 tạ búp tươi/năm/ha.
Đối với việc chăm sóc, canh tác chè, nông dân đang được hướng dẫn áp dụng một trong các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, HACCP, chè hữu cơ để quản lý nguyên liệu chè, ổn định chất lượng sản phẩm. Đồng thời, gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, đảm bảo tỷ lệ sống cao và tạo vùng nguyên liệu bền vững.
Hiện nay, Lâm Đồng đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích Nhân dân các địa phương phát triển cây chè, đẩy mạnh việc ứng dụng KHKT trong quá trình lai tạo giống, chăm sóc, chế biến và bảo quản sản phẩm. Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn của tỉnh cũng đề ra những giải pháp về công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản chè với định hướng hỗ trợ cụ thể. Đây thực sự là cơ hội để người làm chè Bảo Lâm đưa sản phẩm thế mạnh của địa phương vươn xa, không chỉ trong nước mà cả quốc tế.