Mô hình "Chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học" tại 2 huyện Tiên Lữ và Yên Mỹ với quy mô 4.200 con. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Kiên cho biết, thời gian qua, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh. Do vậy, việc trang bị kỹ thuật, kiến thức chăn nuôi an toàn sinh học nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao là hết sức cần thiết, giúp các hộ chăn nuôi yên tâm khi đầu tư chăn nuôi.
Để chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi vịt thương phẩm an toàn sinh học, duy trì và phát triển giống vịt siêu thịt (vịt Super), mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi, tháng 6/2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình "Chăn nuôi vịt thương phẩm".
Theo đó, mô hình có quy mô 11.000 con, được triển khai tại 4 xã gồm: Trung Hòa (huyện Yên Mỹ) 3.000 con, với 3 hộ tham gia; Hưng Long (thị xã Mỹ Hào) 2.000 con, với 3 hộ tham gia; Hạ Lễ (huyện Ân Thi) 3.000 con, với 3 hộ tham gia và Ngô Quyền (huyện Tiên Lữ) 3.000 con, với 4 hộ tham gia. Tổng kinh phí đầu tư gần 1,8 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 900 triệu đồng, còn lại do người chăn nuôi đối ứng.
Trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm hỗ trợ 50% giá trị con giống; hỗ trợ thức ăn hỗn hợp cho các chủ hộ tham gia mô hình, gồm thức ăn hỗn hợp cho vịt giai đoạn 1-21 ngày tuổi và từ 22 ngày tuổi đến xuất chuồng, với trên 47 tấn thức ăn (tương đương mỗi con được hỗ trợ 4,3kg thức ăn).
Gia đình ông Mai Văn Tràn ở xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ là một trong những hộ dân nuôi vịt theo mô hình "Chăn nuôi vịt thương phẩm. Sau 4 tháng nuôi, đến nay 1.000 con vịt đã được gia đình ông xuất bán, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 50 triệu đồng.
Theo ông Tràn, trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi quan sát đàn vịt, kịp thời phát hiện các biểu hiện khác thường để xử lý. Đồng thời, các hộ chăn nuôi luôn được giám sát giữ vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, hàng tuần tẩy uế, sát trùng. Do đó, đàn vịt sinh trưởng, phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra, tỷ lệ sống đạt trên 90%.
"Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học nên đàn vịt đạt chất lượng cao, cho thu lãi lớn. Giống vịt lựa chọn xây dựng mô hình đã được thuần hóa có tỷ lệ sống cao, tốc độ lớn nhanh, ít thức ăn, chất lượng thịt thơm ngon và được thị trường ưa chuộng. Ưu điểm lớn của mô hình này là thời gian nuôi ngắn nên quay vòng vốn nhanh", ông Tràn cho biết.
Bà Nguyễn Thị Nhung, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên chia sẻ, điều kiện để các hộ được tham gia mô hình là tự nguyện, đăng ký hoặc có đơn xin xây dựng mô hình, được chính quyền địa phương chấp thuận; có đủ điều kiện để tiếp nhận và triển khai thực hiện theo quy trình kỹ thuật, địa bàn phù hợp với yêu cầu mô hình, đủ kinh phí đối ứng để bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của mô hình. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi vịt thương phẩm với một số giống vịt chuyên thịt đang nuôi tại Việt Nam, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng vịt thịt và một số bệnh thường gặp ở vịt...
Theo cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên, nhờ áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn, tỷ lệ vịt sống đạt trên 90%, trọng lượng khi xuất bán đạt trên 3,2kg/con. Sau khi đánh giá những kết quả đạt được của mô hình, Trung tâm sẽ tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép nhân rộng mô hình trong tỉnh.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Kiên đánh giá, mô hình "Chăn nuôi vịt thương phẩm" có hiệu quả tốt, quy trình kỹ thuật không quá phức tạp, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của tỉnh, thịt vịt có chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời, mô hình này tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên, tại Hưng Yên vẫn tồn tại những hộ chăn nuôi manh mún, việc áp dụng một số kỹ thuật tiên tiến vào thực tế còn hạn chế, cơ sở hạ tầng không đảm bảo nên chất lượng sản phẩm chưa cao. Dịch bệnh luôn có nguy cơ bùng phát do chưa thực hiện an toàn sinh học. Trong khi đó, người chăn nuôi lại không thể bỏ nghề chăn nuôi vịt vốn là nghề truyền thống. Thực tế này đòi hỏi người chăn nuôi vịt phải tiếp thu những khoa học kỹ thuật tiên tiến với những kinh nghiệm sẵn có để nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên sẽ quy hoạch vùng chăn nuôi vịt tập trung, ưu tiên hỗ trợ những trang trại quy mô lớn; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt chăn nuôi vịt an toàn sinh học; khuyến khích, hỗ trợ các hộ chăn nuôi thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác.