|
  • :
  • :

Hiệu quả chuyển đổi cây trồng

Những năm gần đây, huyện Quảng Trạch đã tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi nhiều diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng phù hợp, cho giá trị kinh tế cao, bền vững…

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Những ngày này, cánh đồng sen rộng gần 2ha của gia đình anh Phan Thanh Sơn ở thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương đang nở rộ, khoe sắc. Anh Sơn cho biết, vùng đất này trước đây là những ao đầm ngập nước nên gia đình trồng lúa không hiệu quả và bỏ hoang.

Từ năm 2022, nhờ sự hỗ trợ của địa phương, anh Sơn mạnh dạn vay vốn, thành lập hợp tác xã (HTX) và đầu tư trồng sen, hiện mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, sau khi thành lập HTX, anh Sơn liên kết với các hộ gia đình, cùng chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen và đứng ra tiêu thụ sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định.

Thu hoạch sen ở thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương.

Thu hoạch sen ở thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phương Lê Hồng Việt cho biết, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, địa phương đã tích cực vận động và hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi số diện tích ao đầm trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi được 22ha đất vùng trũng sang trồng sen.

Theo ông Việt, cùng với việc giúp các hộ dân trồng sen tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, xã tiếp tục giúp các HTX, hộ dân trồng sen mở rộng thêm diện tích, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bởi theo người dân, trên cùng diện tích, trồng sen sẽ cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa.

Những năm qua, Quảng Kim cũng là một trong những địa phương thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Là một xã vùng bán sơn địa, Quảng Kim có nhiều cánh đồng nằm cuối nguồn nước, nên không thể trồng lúa, đặc biệt trong vụ hè-thu.

“Trong thời gian tới, phòng sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các xã tích cực kiểm tra, giám sát, nghiệm thu kết quả các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tham mưu UBND huyện phân bổ chính sách hỗ trợ phù hợp. Cùng với đó, phòng tiếp tục khuyến khích bà con nông dân, các doanh nghiệp xây dựng các dự án sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao và các dự án liên kết theo chuỗi giá trị.

 

Hiện, phòng đang phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của Sở NN-PTNT tổ chức đánh giá, thẩm định các dự án liên kết theo chuỗi giá trị thực hiện trên địa bàn huyện, như: Dự án liên kết sơ chế, tiêu thụ sản phẩm thủy sản; liên kết sản xuất lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết nuôi và tiêu thụ lợn thịt. Đây là những dự án động lực, kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ của ngành NN trên địa bàn huyện”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch Trần Văn Định nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND xã Quảng Kim Chu Viết Dũng cho biết, toàn xã có 380ha đất nông nghiệp, trong đó có 234ha đất trồng lúa. Do hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, đặc biệt là biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường nên hàng năm nhiều diện tích bị bỏ hoang, trong đó đáng chú ý là hơn 80ha ở đồng Cồn Sim chỉ sản xuất được vụ đông-xuân. Trước tình hình đó, xã đã tích cực hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc. Tính đến nay, xã đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi được hơn 30ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc, cho thu nhập cao gấp đôi.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Trạch, những năm qua, ngoài Quảng Kim và Quảng Phương, nhiều địa phương trên địa bàn huyện cũng tích cực chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa sản xuất không hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.

Không chỉ diện tích lúa, nhiều diện tích vùng gò đồi trước đây chỉ trồng rừng keo tràm, hiệu quả không cao, bà con nông dân cũng tích cực chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả, dược liệu, gia vị cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tính đến nay, toàn huyện Quảng Trạch đã chuyển đổi được hơn 200ha diện tích cây trồng. Thực tế cho thấy, hầu hết các mô hình chuyển đổi đều cho giá trị kinh tế cao hơn từ 30-50% so với việc gieo trồng các loại cây truyền thống trước đây.

Tích cực hỗ trợ nông dân

Ngoài việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, huyện Quảng Trạch đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương để làm động lực cho việc đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng của hàng hóa nông sản.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch Trần Văn Định cho biết, thực hiện chương trình hành động của Huyện ủy về phát triển sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao, trong 2 năm 2022-2023 huyện đã hỗ trợ nông dân trên địa bàn thực hiện 26 mô hình, trong đó 10 mô hình trồng trọt, 7 mô hình chăn nuôi, 6 mô hình nuôi trồng thủy sản, 3 mô hình lâm nghiệp. Từ đầu năm đến nay, huyện cũng đã hỗ trợ thêm 2 mô hình NN ứng dụng công nghệ cao, gồm 1 mô hình nhà màng và 1 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao đất.

Theo ông Trần Văn Định, mỗi năm huyện Quảng Trạch trích 1,5 tỷ đồng tiền ngân sách để hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đầu tư sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao. Hàng năm, phòng phối hợp với UBND các xã tiến hành khảo sát thực tế từng địa bàn để có định hướng chỉ đạo và hỗ trợ đầu tư cơ sở sản xuất phù hợp. Nhờ vậy, các mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao đã góp phần tăng năng suất, sản lượng, giá trị của nông sản; đồng thời tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình ở khu vực nông thôn của huyện…

Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202407/hieu-qua-chuyen-doi-cay-trong-2219818/