Tình trạng nhập lậu gia cầm vẫn diễn biến phức tạp
Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) vừa gửi kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hôi, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan xem xét một số nhóm giải pháp cấp bách và lâu dài để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi gia cầm.
Theo VIPA, thời gian qua, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn ra phức tạp tại các địa phương có chung biên giới với các nước, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của VIPA, mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà sống đẻ thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.
Có rất nhiều phụ phẩm chăn nuôi có giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm, đặc biệt gà đẻ loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng (còn được gọi là gà dai, loại gà này phần lớn tại các nước phát triển không sử dụng làm thực phẩm cho người) vẫn được nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho người.
Nếu tình trạng này không được kiểm soát thì không những sản xuất gia cầm trong nước ngày càng khó khăn hơn mà còn có thể gây hậu quả cho sức khỏe của người tiêu dùng nước ta.
Trước thực trạng đó, ngày 4/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã gửi văn bản cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng các địa phương với đề nghị hai bộ cùng các địa phương tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới và các sản phẩm chăn nuôi tạm nhập tái xuất vào Việt Nam.
Tuy nhiên, để tình trạng trên không tái diễn sau mỗi lần kết thúc chiến dịch ra quân của các bộ ngành, địa phương, VIPA đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng các địa phương thường xuyên, liên tục tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Tăng cường các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua để bảo vệ sản xuất trong nước.
Đặc biệt, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước, không tạo ra nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, VIPA kiến nghị Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine.
Cần cơ chế đặc thù bảo vệ sản xuất trong nước
VIPA cũng kiến nghị các bộ cần triển khai ngay các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng nước ta thông qua việc sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế (có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan và một số nước trong khu vực) nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu gia cầm, sản phẩm gia cầm như thời gian vừa qua.
Đồng thời, rà soát cắt giảm một số phí kiểm dịch, các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí sản xuất, nhất là việc xem xét sửa đổi quy định lô hàng tại Thông tư số 101/2020/TT-BTC để tính phí kiểm dịch và đồng thời điều chỉnh theo hướng giảm ít nhất 50% phí kiểm dịch giết mổ trên 1 con gia cầm; bãi bỏ quy định chứng nhận và công bố hợp quy đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi bổ sung đã được phép lưu hành tại Việt Nam.
Xây dựng và triển khai chương trình trọng điểm xuất khẩu sản phẩm gia cầm theo hướng cụ thể hoá các chỉ tiêu, lộ trình thực hiện xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chủ lực trong từng giai đoạn.
Chương trình cần có các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi; hỗ trợ các địa phương xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, triển khai các giải pháp hỗ trợ hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Đẩy mạnh công tác đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi; hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các thủ tục hành chính, quy định kỹ thuật đối với việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ đàm phán.
VIPA kiến nghị các bộ ngành có liên quan phối hợp với các hiệp hội ngành hàng sớm thống nhất các phương pháp thống kê để cập nhật, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu về ngành chăn nuôi nói chung và ngành gia cầm nói riêng.
Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi,VIPA kiến nghị miễn, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ tín dụng đầu tư cho doanh nghiệp; làm rõ các nội dung sẽ được sửa đổi bổ sung tại NĐ số 57/2018-CP ngày 17/4/2018 của Chính Phủ.
Hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, duy trì công ăn việc làm cho người nông dân, VIPA mong Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung một số chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước đủ điều kiện để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.
Đồng thời, VIPA cũng kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn (nếu có) bán phá giá sản phẩm chăn nuôi, cạnh tranh không lành mạnh.