Mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, trong thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân, người dân nhiều địa phương ở ĐBSCL đã tự chủ động giảm diện tích lúa, chuyển đổi sang cây trồng khác.
Dẫn phóng viên ra vườn cây ăn trái của gia đình trước đây là những ruộng lúa, ông Trương Văn Đực ở ấp Định Mỹ cùng xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ cho hay, từ năm 2019, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển 3ha đất lúa sang trồng nhãn, mít Thái, ổi nữ hoàng, mãng cầu,...
Ông Đực kể, lúc trồng lúa lợi nhuận rất ít, chỉ 30 triệu đồng/ha đối vụ chính trong năm là Đông Xuân, các vụ khác còn thấp hơn nữa, chỉ khoảng 10 triệu đồng/ha sau 3 tháng sản xuất. Từ khi chuyển sang trồng cây ăn trái, lợi nhuận của gia đình ông tăng gấp 4 - 5 lần trồng lúa.
Theo ông Đực, rất nhiều thế hệ đi trước của gia đình chỉ trồng lúa không ai khá lên được. Khi chuyển sang trồng cây ăn trái, ông không hề hối tiếc.
"Trồng lúa không hiệu quả, không có lợi nhuận phải chuyển đổi thôi. Không riêng gì gia đình tôi, trong giai đoạn năm 2018 - 2019, diện tích lúa toàn ấp Định Mỹ là 250ha nhưng đến nay giảm còn 208ha" - ông Đực nói.
Cũng giống trường hợp của ông Đực, ông Đặng Văn Quang ở ấp Định Mỹ đã chuyển đổi 2ha đất lúa sang trồng dưa hấu. Theo tính toán của ông Quang, trồng dưa hấu làm được 4 vụ/năm, lợi nhuận khá cao, từ 5 - 7 triệu đồng/1.000 m2/vụ, tính ra 1ha thu được 50-70 triệu đồng, nhân với 4 vụ, có thu 200-300 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Chia sẻ với phóng viên, ông Quang nói, bản thân không còn trồng lúa không phải vì hết yêu cây lúa mà là làm lúa lợi nhuận rất thấp. Hơn nữa, bà con nông dân chung quanh đất đã lên vườn hết rồi, một mình ông làm lúa cũng không được (chuột xuất hiện gây hại nhiều, không thuê được máy cắt lúa và máy làm đất vào được, khó khăn trong quản lý nguồn nước tưới...).
Mặc dù chưa chuyển đất lúa sang trồng cây ăn trái, nhưng ông Phan Thiện Khanh, nông dân trồng lúa ở ấp Định Khánh B, xã Định Môn cho biết, đã có kế hoạch chuyển đổi. "Hiện tôi đã chuyển từ lúa 3 vụ sang 2 vụ/năm đối với 1,5 ha đất lúa của gia đình. Trong thời gian tới, ông sẽ chuyển đổi toàn bộ đất lúa sang trồng cây ăn trái" - ông Khanh chia sẻ.
"Tôi quyết định chuyển đổi sang cây ăn trái vì những diện tích lúa của bà con chung quanh đã chuyển sang cây ăn trái rất nhiều. Hơn nữa, trồng lúa hiện rất khó lời do áp lực từ giá phân bón, thuốc trừ sâu" - ông Khanh nói.
Thống kê từ UBND xã Định Môn cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, cả xã đã có khoảng 60ha diện tích đất lúa chuyển sang trồng cây ăn trái hoặc hoa màu. Bên cạnh đó, diện tích lúa 3 vụ/năm chuyển sang 2 vụ lúa lên tới 350ha.
Không chỉ có xã Định Môn, rất nhiều diện tích lúa ở các địa phương khác tại TP. Cần Thơ đã được người dân chuyển sang trồng cây ăn trái hoặc rau màu. Theo Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, trong đoạn 2022 - 2030, thành phố có kế hoạch giảm khoảng 22.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang các mục đích sử dụng khác.
Giảm diện tích lúa ở nơi bị ảnh hưởng xấu bởi biến đổi khí hậu, thu nhập người dân tăng cao
Không chỉ có người dân TP.Cần Thơ, người dân tỉnh Trà Vinh - địa phương có nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng xấu bởi biến đổi khí hậu, nhất là hạn mặn vào mùa khô đã mạnh dạn chuyển đổi sang cây màu và cây ăn trái.
Do đất sau nhà liên tục bị thất mùa qua nhiều năm liền, ông Lý Sô Phia ở ấp Ô Tưng A, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đã quyết định chuyển sang trồng dưa leo, đậu que và mang lại thu nhập gấp 3-4 lần so với trồng lúa trước đó.
Ông Sô Phia chia sẻ: "Gia đình tôi có 3.000m đất trồng lúa. Do ảnh hưởng đất có gò cao, luôn thiếu hụt nguồn nước tưới, khí hậu thay đổi thất thường nên cây lúa không phát triển tốt. Tôi phải bón nhiều phân hóa học cây mới xanh được nhưng nay giá phân đã quá cao. Từ đó, gia đình tôi đã chuyển sang trồng dưa leo, đậu que".
Khác ông Sô Phia, ông Thạch Sương ở ấp Ô Tưng A chưa chuyển hẳn diện tích lúa sang màu mà làm theo hướng luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ màu trên diện tích 2.000m2 của gia đình. Theo ông Thạch Sương, mô hình đã đem lại nguồn thu nhập cho gia đình khoảng 20 triệu đồng/vụ màu, thay vì chỉ hoàn toàn trồng lúa như trước đây, thu nhập chưa tới 2 triệu đồng/1.000m2/năm.
Ngoài ra, theo ông Sương, làm 1 vụ lúa 1 vụ màu sẽ giúp cải tạo đất, làm đất tơi xốp, dịch bệnh ở vụ trước không lây lan sang vụ sau nên năng suất, chi phí sản xuất lúa và rau màu đều cao. Tuy nhiên, cách làm này tốn nhiều công sức hơn so với việc chỉ trồng duy nhất cây lúa.
Trao đổi với phóng viên, các nông dân ở xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cho hay, việc chuyển đổi đất lúa sang cây màu ngoài việc tăng thu nhập trên cùng diện tích sản xuất mà còn giúp giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn. Bởi, cây màu có thời gian thu hoạch kéo dài nhiều ngày, mỗi gia đình không đủ người làm phải thuê thêm người phụ giúp.
Ông Tô Hoàng Anh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Điền, huyện Cầu Kè cho biết, địa phương có thế mạnh về sản xuất cây lúa, tuy nhiên có một số nơi đất không còn thích hợp trồng lúa. Trước thực trạng trên, trong năm 2022, Hội Nông dân xã Châu Điền đã vận động nông dân, đặc biệt là trong đồng bào Khmer mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kết quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa.
Còn ông Phạm Văn Kha - Phó Trưởng phòng Phòng NNPTNT huyện Cầu Kè cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, nông dân toàn huyện đã chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang vườn cây ăn trái được 178,5ha (trong đó chuyển đổi từ lúa sang trồng dừa 14,7 ha). Đa số diện tích chuyển đổi đều được ngành chức năng hỗ trợ về kỹ thuật, vốn và liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.
Theo ông Trần Trường Giang - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh, trong 6 tháng các địa phương chuyển đổi 1.866ha đất trồng lúa, sang các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản. Trước đó, trong năm 2021, các địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi hàng năm khoảng 2.500ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,3-6 lần.
Tại Long An, trong vụ lúa Hè Thu vừa qua, diện tích lúa giảm hơn 4.000ha so với cùng kỳ (năm 2011 là 221.000ha nhưng năm 2022 chỉ còn khoảng 216.000ha). Đây là địa phương giảm diện tích trồng lúa nhiều nhất trong vụ lúa Hè Thu vừa qua.
Sở NNPTNT tỉnh Long An cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc diện tích trồng lúa giảm là do người dân trồng lúa không có lợi nhuận, nhất là người thuê đất trồng lúa, đã trả đất cho chủ.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), vụ hè thu 2022, vùng ĐBSCL xuống giống trên 1,49 triệu ha, giảm 16.000ha so với cùng kỳ năm trước. Theo kế hoạch, trong vụ Thu Đông 2022, vùng ĐBSCL chỉ gieo sạ 700.000ha, giảm 3.500ha.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, diện tích lúa vụ Hè Thu ở ĐBSCL giảm chủ yếu do chuyển đổi sang cây ăn quả (cam, bưởi, quýt, nhãn, xoài, thanh long, sầu riêng,...), trồng cây rau màu và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Còn nữa!