|
  • :
  • :

Giải pháp gia tăng giá trị cho nông sản Kiên Giang 

Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị nông sản Kiên Giang là chủ đề hội thảo vừa được Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang phối hợp Trường Ðại học Công thương TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Nông dân xã Bình An (huyện Châu Thành) thu hoạch khóm Tắc Cậu.

Tại hội thảo, ông Danh Nhiên, ngụ ấp Cây Trôm, xã Bàn Thạch (huyện Giồng Riềng) cho biết, toàn xã ông có 25ha trồng dưa leo, năng suất bình quân đạt từ 2,5-3 tấn/công. Với 4 vụ sản xuất trong năm, lợi nhuận từ trồng dưa leo đạt từ 13-25 triệu đồng/công. "Nhưng giá dưa leo bấp bênh vì chỉ có thương lái thu mua. Ðề nghị Hội Nông dân tỉnh, các cấp, các ngành có giải pháp giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng bị "ép giá" hoặc trồng rồi không biết bán cho ai".

Cùng cảnh ngộ, trái khóm Tắc Cậu của huyện Châu Thành - sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể khóm Tắc Cậu nức tiếng xa gần nhờ chất lượng thơm ngon cũng chịu cảnh tương tự. Ông La Thanh Vũ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa Phú (huyện Châu Thành), cho biết: "Là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Châu Thành, giá khóm hiện tại đang ở mức từ 9.000 đồng/trái. Tuy nhiên, có năm khóm chỉ bán chỉ 2.000 đồng/trái tại rẫy. Tình trạng nông dân bị "ép giá" vẫn tái diễn thường xuyên".

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Ðại học Công thương TP Hồ Chí Minh, cho rằng, Kiên Giang có nhiều loại trái cây ngon có thể chế biến phục vụ xuất khẩu, giúp người trồng tăng thu nhập. Ðiển hình như khóm của Kiên Giang là một trong những loại trái có giá trị kinh tế, khi ăn thấy vị khác hoàn toàn so với khóm các nơi khác. Nếu đưa khóm hay các loại trái cây tiềm năng khác của Kiên Giang vào chế biến nước giải khát, nhà trường sẵn sàng hỗ trợ đầu tư nhà máy với quy trình công nghệ, thiết bị sản xuất tiên tiến phục vụ chế biến. Vấn đề là bà con nông dân Kiên Giang cam kết đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến. Mong rằng, mối liên kết nhà trường - nhà nông - nhà quản lý sẽ ngày càng thắt chặt, giúp gia tăng từ sản xuất nông nghiệp.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất các giải pháp cụ thể của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các sở, ngành để nông sản của Kiên Giang phát triển bền vững, nâng tầm cao mới. Theo ông Nguyễn Xuân Kiệm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, truy xuất nguồn gốc ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa nông sản. Người tiêu dùng an tâm hơn vì biết được nguồn gốc của sản phẩm mình cần. Việc cung cấp thông tin rõ ràng và minh bạch về nguồn gốc giúp tạo ra sự tin cậy và lòng tin từ phía khách hàng. Ngoài bán trực tiếp qua thương lái, hộ sản xuất, kinh doanh cũng cần mở rộng kênh tiêu thụ bằng hình thức kinh doanh trực tuyến, sử dụng nền tảng công nghệ thông tin để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến.

Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, không tập trung,... là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Ông Lâm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh, nói: "Tỉnh có lợi thế về tài nguyên nông nghiệp, đa dạng các loại nông sản lúa, thủy sản, cây ăn trái, cây công nghiệp… Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh chưa phát triển theo yêu cầu, chưa chuyên môn hóa cao, sản xuất còn manh mún, công nghệ chưa hiện đại, nên phần lớn phải xuất khẩu nông sản thô".

Ðề xuất giải pháp nhằm nâng cao giá trị nông sản, giúp nông dân tăng lợi nhuận, theo ông Lâm Quốc Toàn, chất lượng và an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng trong việc chế biến và xuất khẩu nông sản. Sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm không chỉ đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng mà còn giúp tạo niềm tin và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên thị trường quốc tế. "Với việc ký kết chương trình phối hợp với Trường Ðại học Công thương TP Hồ Chí Minh, Hội Nông dân sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các nhóm hộ, mô hình kinh tế tập thể từng bước phát triển chuỗi nông sản theo hướng đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất đến thu mua, chế biến và xuất khẩu, trong đó ưu tiên đào tạo các đối tượng tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực", ông Lâm Quốc Toàn nói.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/giai-phap-gia-tang-gia-tri-cho-nong-san-kien-giang-a174572.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin