|
  • :
  • :

Giải pháp an toàn cho vụ lúa đông xuân 

Hiện nay, vụ lúa thu đông 2024 tại huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đã thu hoạch đứt điểm, năng suất và giá cả cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi thu hoạch lúa, nông dân tiếp tục vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị sản xuất vụ lúa đông xuân 2024-2025. Ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh khuyến cáo nông dân cần tuân thủ các nguyên tắc sản xuất lúa né sâu hại, dịch bệnh, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, nhằm đảm bảo an toàn chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất…

Nông dân huyện Vĩnh Thạnh tổ chức trục trạc, nhấn chìm rơm rạ chuẩn bị ruộng lúa gieo sạ vụ đông xuân 2024-2025.

Vụ lúa thu đông 2024, nông dân huyện Vĩnh Thạnh xuống giống với diện tích 22.992,88ha, đạt 110,88% kế hoạch. Cơ cấu giống chủ yếu là OM 5451, OM 34, OM 18... Đến nay, huyện Vĩnh Thạnh thu hoạch dứt điểm lúa thu đông với năng suất bình quân gần 6 tấn/ha (lúa tươi). Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, để vụ lúa thu đông sản xuất đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu vụ, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn theo dõi sát sao diễn biến của mưa, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa thu đông tại các địa phương. Trong đó, khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa có tính chống chịu với rầy nâu, dịch bệnh và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã. Đặc biệt, quá trình sản xuất bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa, bão… Nhờ đó, lúa thu đông sản xuất đảm bảo được năng suất, tăng thêm lợi nhuận cho nông dân.

Ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh đánh giá vụ lúa thu đông 2024 là một trong những vụ lúa sản xuất đem lại lợi nhuận khá cho nông dân. Thời điểm thu hoạch, giá bán một số giống lúa như OM34 có giá dao động từ 7.100-7.600 đồng/kg, OM 5451 từ 7.200-8.000 đồng/kg và OM 18 giá từ 7.600-8.2000 đồng/kg (giá bán tùy theo khu vực và ngày thu hoạch). Trừ chi phí sản xuất, nông dân thu được lợi nhuận khá cao. Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Vụ lúa thu đông này, gia đình tôi tiếp tục sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp huyện. Năm nay sản xuất lúa có nhiều thuận lợi do thời tiết ổn định, đủ nước cung cấp cho lúa. Lúa cho năng suất khá, đảm bảo sản xuất có hiệu quả, tái đầu tư cho vụ mùa kế tiếp. Sau khi thu hoạch lúa thu đông xong, chúng tôi tiếp tục vệ sinh đồng ruộng để xuống giống sản xuất vụ lúa đông xuân tiếp theo, đồng thời tiếp tục ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả canh tác…".

Để chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân 2024-2025 sản xuất đạt hiệu quả, ngay sau khi thu hoạch lúa thu đông, ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh tích cực vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, trục xới đất, đưa nước vào ruộng để nhấn chìm rơm rạ, tiêu diệt mầm bệnh, đồng thời hạn chế ngộ độc hữu cơ do rơm rạ chưa kịp phân hủy. Đặc biệt, nông dân xuống giống lúa đông xuân phải tập trung đồng loạt, nhưng vẫn đảm bảo thời gian cách vụ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Theo dự kiến, huyện Vĩnh Thạnh xuống giống lúa đông xuân 2024-2025 với diện tích 24.700ha, sản lượng ước đạt 187.720 tấn lúa khô. Lịch thời vụ gieo sạ gồm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 3-11 đến ngày 9-11-2024 (nhằm ngày 3-10 đến ngày 9-10 âm lịch). Đợt II từ ngày 18-11 đến ngày 25-11-2024 (ngày 18-10 đến ngày 25-11 âm lịch). Trên cơ sở lịch thời vụ khuyến cáo, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ rầy nâu tại chỗ và tình hình rầy nâu di trú kết hợp với chế độ thuỷ văn để xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho địa phương, khi bố trí thời vụ phải tuân thủ nguyên tắc chung là "Gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng" và đảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ lúa từ 3 tuần trở lên.

Vĩnh Thạnh cũng chuẩn bị nguồn giống lúa tốt, đảm bảo yêu cầu chất lượng cung cấp cho nông dân gieo sạ. Trong đó chọn các giống phù hợp cho vùng sản xuất 2 hoặc 3 vụ trong năm. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống cấp xác nhận trở lên, sử dụng cơ cấu giống thơm, giống đặc sản như Đài thơm 8, Jasmine 85, RVT, OM 18... Các giống lúa mới phù hợp với điều kiện địa phương, cho năng suất và chất lượng cao, đồng thời phải chống chịu được với một số dịch hại quan trọng. Đặc biệt, sử dụng những giống lúa cho vụ đông xuân 2024-2025 cần lưu ý về tính chống chịu với rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn; cần phải sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng giống nhau, tiến tới việc sử dụng giống đồng nhất, chất lượng cao trên cùng cánh đồng để nâng cao giá trị hàng hoá. Áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ cụm, cấy, sử dụng drone, sạ thưa, không sử dụng lãng phí lúa giống gieo sạ, lượng giống gieo sạ, lượng giống sử dụng không quá 70-100kg/ha…

UBND huyện Vĩnh Thạnh cũng yêu cầu ngành Nông nghiệp huyện, các xã, thị trấn tổ chức điều hành, phát huy vai trò của lực lượng cán bộ nông nghiệp tại cơ sở, theo dõi chặt chẽ tình hình gieo sạ, điều tra dịch hại, cách phòng trị và kết quả phòng trị dịch hại cho nông dân. Các địa phương cần chỉ đạo nhất quán, toàn diện các biện pháp kỹ thuật phòng chống dịch hại cây trồng, thông qua hệ thống Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, cán bộ kỹ thuật địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nông dân thực hiện giải pháp sản xuất an toàn lúa đông xuân.

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: "Đông xuân là vụ lúa quan trọng trong năm, các địa phương bố trí mùa vụ trên cơ sở khung thời vụ kết hợp với biện pháp "Xuống giống né rầy, đồng loạt, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng", chỉ đạo không xuống giống kéo dài, không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa đan xen; áp dụng đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, nhất là kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, ngập khô xen kẽ... vào sản xuất. Ngành Nông nghiệp huyện bố trí lực lượng tích cực hướng dẫn, cùng nông dân chăm sóc, bảo vệ tốt ruộng lúa góp phần thắng lợi vụ đông xuân 2024-2025; bên cạnh đó tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, số lượng lớn, an toàn thực phẩm trên nền tảng tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, cánh đồng lớn, hợp tác xã gắn với thị trường thông qua doanh nghiệp liên kết sản xuất. Từng khu vực đê bao tổ chức họp dân để thống nhất lịch xuống giống, cũng như những giải pháp cần thiết để liên kết nông dân thực hiện, sản xuất hiệu quả vụ lúa đông xuân 2024-2025".

Nguồn: https://baocantho.com.vn/giai-phap-an-toan-cho-vu-lua-dong-xuan-a179952.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin