Sầu riêng tại vườn của anh Nguyễn Nhật Minh ở xã Đông Thuận, huyện Thới Lai.
Anh Nguyễn Nhật Minh ngụ ấp Đông Thạnh, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai đang có 4 công đất trồng sầu riêng. Vườn của anh chủ yếu trồng sầu riêng hạt lép Ri 6 và xen một số cây sầu riêng giống Thái là Mỏn thon. Sầu riêng của anh trồng mới được 5 năm tuổi nhưng cây rất to lớn, xanh tốt và đã cho 2 mùa trái, trong đó mùa cho trái trong năm nay rất trúng mùa. Với bình quân mỗi cây sầu riêng cho 70 trái và toàn vườn có hơn 60 cây sầu riêng, vụ sầu riêng năm 2023, vườn sầu riêng cho sản lượng trái đạt 8 tấn. Sầu riêng lại bán được giá khá cao nhờ trái có màu sắc đẹp, trái có kích cỡ khá đồng đều, chất lượng tốt, ăn thơm ngon và ít bị sượng. Dù thu hoạch đúng vào thời điểm vào mùa thu hoạch rộ sầu riêng chính vụ nhưng giá bán xô sầu riêng Ri 6 tại vườn đạt mức 55.000 đồng/kg, cao hơn ít nhất 5.000 đồng/kg so với giá bán của nhiều hộ dân khác thu hoạch cùng thời điểm. Với năng suất và giá bán như vậy, trừ chi phí, năm nay anh Minh thu lời khoảng 300 triệu đồng/4 công sầu riêng (công tầm lớn 1.300m2). Riêng vụ sầu riêng năm trước, anh Minh đã thu hoạch và bán trái sầu riêng thu tiền gần đủ với khoảng chi phí đã bỏ ra tính từ lúc mới trồng cây.
Theo anh Minh, đạt được kết quả trên chính là nhờ anh canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ và áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Chú trọng sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học như phân gà, các loại phân bón hữu cơ dạng viên nén, chất cải tạo đất SEA…Giảm sử dụng phân bón vô cơ và hạn chế đối đa việc sử dụng các loại thuốc hóa học, đặc biệt không sử dụng thuốc diệt cỏ mà giữ chúng lại trong vườn cây nhằm giúp tạo độ ẩm cho đất và bảo vệ rễ cây sầu riêng. Anh Minh cho biết: "Qua việc sử dụng phân bón hữu và canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ, tôi thấy cây sầu riêng phát triển khỏe mạnh, cho trái đạt chất lượng, năng suất rất tốt và an toàn cho người sử dụng. Cây sầu riêng sau các mùa thu hoạch trái ít bị suy kiệt nên giúp cây có thể sống lâu và cho trái bền vững. Nông dân cũng giảm nhiều chi phí tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nhờ giảm sử dụng chúng, từ đó cũng góp phần bảo vệ sức khỏe cho mình và bảo vệ môi trường". Để chủ động nước tưới tiêu phục vụ cho chăm sóc vườn sầu riêng, anh Minh thiết kế các bờ liếp, mương vườn một cách hợp lý và lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động cho vườn cây. Anh thường kiểm tra kỹ độ ẩm của đất trong vườn cây trước khi quyết định tưới nước cho cây, thường anh kiểm tra đất ở độ sâu khoảng 5cm, nếu thấy thiếu độ ẩm mới tưới.
Thời gian qua, nhờ hạn chế sử dụng phân bón vô cơ và tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, nông dân trồng sầu riêng tại huyện Phong Điền cũng liên tục có các vụ mùa sầu riêng thắng lợi. Ông Nguyễn Văn On ngụ ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền, cho biết: "Với năng suất đạt trên 3 tấn/công và giá bán xô tại vườn ở mức 55.000 đồng/kg, trừ chi phí, tôi có lời khoảng 100 triệu đồng/công. Vườn sầu riêng của tôi đã có tuổi đời khoảng 15 năm tuổi nhưng cây sầu riêng vẫn phát triển khỏe mạnh và cho năng suất cao nhờ được gia đình tôi chăm sóc kỹ và chú trọng bón phân hữu cơ cho cây. Tôi đã sử dụng tới 70% lượng phân bón hữu cơ để bón cho cây, lượng phân bón vô cơ chỉ còn chiếm khoảng 30% trên tổng lượng phân bón tôi sử dụng".
Để vườn sầu riêng phát triển bền vững lâu dài và cho trái đạt chất lượng, năng suất tốt không phải là chuyện dễ mà đòi hỏi người trồng phải chăm sóc, tưới nước, cung cấp dinh dưỡng cho cây một cách phù hợp. Đồng thời, cần phải áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật để phục hồi sức khỏe của cây sầu riêng sau những mùa thu hoạch trái. Theo nhiều hộ dân trồng sầu riêng ở các huyện Phong Điền và Thới Lai, thường người ta trồng khoảng 12-15 cây sầu riêng/1.000 m2 đất. Để trồng một cây sầu riêng đến lúc cho thu hoạch trái, nông dân phải bỏ ra số tiền đầu tư từ 2 triệu đồng trở lên nên chi phí đầu tư trồng sầu riêng là khá lớn và rủi ro cũng cao. Do vậy, nông dân cần sử dụng phân bón hữu cơ và các giải pháp nhằm canh tác sầu riêng bền vững và đạt hiệu quả cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, để nâng cao hiệu quả trồng sầu riêng và các loại cây ăn trái nói chung, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cũng đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân trong xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Thực hiện xây dựng mã số vùng trồng và chuẩn hóa sản xuất đạt tiêu các tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Mặt khác, tập huấn, hướng dẫn nông dân cách tận dụng rơm rạ và các nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ. Đồng thời, phối hợp các đơn vị có liên quan để hỗ trợ nông dân trong liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.