Giá lợn hơi vẫn tụt dốc không phanh
Giá lợn hơi hôm nay 10/10/2023, điều chỉnh giảm. Nhu cầu thị trường chưa phục hồi rõ rệt, gây áp lực lên giá vật nuôi trong bối cảnh chạy dịch ASF, nông hộ ngại tái đàn, lợn cho dịp Tết có thể thiếu lượng. Giao dịch lợn hơi toàn quốc vẫn dao động quanh mức phổ biến 51.000-52.000 đồng/kg, nhìn chung tình hình giá vật nuôi chưa có dấu hiệu tăng trưởng, cần thời gian để phục hồi trở lại.
Tại miền Bắc, giá lợn hơi tương đối ổn định, ngoại trừ Bắc Giang và Ninh Bình giảm 1.000 đồng còn 51.000 - 52.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá phổ biến của nhiều địa phương khác trong khu vực, riêng Hưng Yên cao nhất 53.000 đồng/kg.
Miền Trung và Tây Nguyên là khu vực có nhiều biến động với mức giảm 1.000 đồng ở hầu hết các địa phương, trừ Thanh Hóa, Quảng Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Bình Thuận. Giá lợn hơi khu vực này dao động từ 51.000 - 52.000 đồng/kg, riêng Quảng Bình, Lâm Đồng và Bình Thuận đạt mức 53.000 đồng/kg.
Ở miền Nam, giá lợn hơi ở nhiều địa phương tiếp tục giảm 1.000 đồng như Bình Phước, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Tiền Giang, Trà Vinh về mức 51.000 - 52.000 đồng/kg. Riêng Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Cà Mau là 3 địa phương có giá lợn cao nhất 53.000 đồng/kg, ngược lại Bến Tre thấp nhất chỉ 50.000 đồng/kg.
Ngày 10/10, giá lợn hơi của Công ty Chăn nuôi C.P cũng đã điều chỉnh về mức 54.000 đồng/kg, không còn chênh lệch giữa miền Bắc và miền Nam. Giá lợn Trung Quốc hôm nay giảm, về mức 51.500 đồng/kg.
Tháng 9/2023, giá lợn hơi trên cả nước giảm do tình hình dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở một số vùng khiến người dân bán lượng lợn lớn ra thị trường, nên giá có sự chênh lệch giữa các vùng. Trong khi đó, sức mua vẫn chưa có nhiều cải thiện do người dân tiết kiệm chi tiêu.
Trong tháng, giá lợn hơi tại một số tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 53.000-58.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng trước. Cụ thể, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 55.000-57.000 đồng/ kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng trước. Giá lợn hơi miền Trung, Tây Nguyên và khu vực miền Nam dao động trong khoảng 53.000- 58.000 đồng/kg, giảm 1.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng trước.
Hiện cung - cầu chăn nuôi trong nước nhìn chung khá cân bằng, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá lợn sẽ ổn định ở mức hài hòa cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2023, Việt Nam nhập khẩu 62,53 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với trị giá 128,72 triệu USD, tăng 3,6% về lượng, nhưng giảm 0,7% về trị giá so với tháng 8/2022. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 418,93 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 851,76 triệu USD, tăng 1,9% về lượng, nhưng giảm 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam tăng nhẹ trở lại trong tháng 8/2023, trong bối cảnh giá lợn hơi giảm và chưa có dấu hiệu hồi phục, thị trường tiêu thụ chậm. Những tháng cuối năm sẽ không thiếu nguồn cung do từ tháng 9 trở đi người dân và doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh tái đàn, cùng với đó là nguồn nhập khẩu để các doanh nghiệp đưa vào chế biến.
Trong tháng 8/2023, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 38 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam trong tháng, đạt 14,02 nghìn tấn, trị giá 41,15 triệu USD, tăng 44,1% về lượng và tăng 22,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 22,43% về lượng và chiếm 31,97% về trị giá trong tổng nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của cả nước.
Giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm thịt từ Ấn Độ về Việt Nam giảm 14,8% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 2.934 USD/tấn. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ đạt 90,47 nghìn tấn, trị giá 265,96 triệu USD, giảm 13,6% về lượng và giảm 20,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, cơ cấu thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm thịt cho Việt Nam có sự thay đổi khi lượng nhập khẩu từ Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc giảm, trong khi nhập khẩu từ Nga tăng so với cùng kỳ năm 2022.