Giá tiêu hôm nay ở trong nước (5/4)
Ghi nhận, giá tiêu hôm nay ít biến động tại các tỉnh thu mua trọng điểm. Trong đó, tại Đắk Lắk và Đắk Nông, không ghi nhận thay đổi so với hôm qua ở mức 94.000 đồng/kg.
Tại Gia Lai, giá tiêu hôm nay được điều chỉnh tăng 500 đồng/kg lên mức 92.500 đồng/kg. Tương tự, giá tiêu tại Đồng Nai duy trì ở mức 92.500 đồng/kg.
Tại hai tỉnh Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu giá hạt tiêu đều ở mức 93.000 đồng/kg.
Giá tiêu trực tuyến hôm nay (5/4)
Trên thị trường thế giới, giá tiêu ổn định. Cụ thể: Giá tiêu đen Lampung tại Indonesia ở mức 4.446 USD/tấn.
Giá tiêu đen Brazil ASTA 570 không đổi ở mức 4.450 USD/tấn.
Giá tiêu đen Kuching tại Malaysia ASTA loanh quanh ở mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok đi ngang có mức 6.156 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Malaysia ASTA ở mức 7.300 USD/tấn.
Vụ mùa tiêu năm nay, giá tiêu tăng khiến nhà nông vui mừng và đặt nhiều kỳ vọng vào một mùa tiêu thắng lợi, để bù đắp lại những tổn thất của các năm trước. Mặt khác, nhiều hộ dân có xu hướng muốn quay trở lại trồng mới và mở rộng diện tích cây tiêu. Tỉnh Đắk Lắk hiện có 28.583 ha tiêu, sản lượng dự kiến đạt gần 74.630 tấn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn theo dõi sát tình hình thị trường, đồng hành cùng người dân, khuyến cáo người dân tập trung nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan, xuất khẩu hạt tiêu của cả nước trong nửa đầu tháng 3/2024 đạt 11.668 tấn, thu về 50,357 triệu USD; Lũy kế đến hết kỳ báo cáo xuất khẩu 42.534 tấn, trị giá khoảng 174,597 triệu USD.
Giá tiêu trong nước đã tăng thêm 30.000 đồng/kg trong vòng một năm qua. Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giá tiêu trong nước đã liên tục tăng. Nguyên nhân là do Brazil đã qua mùa thu hoạch, trong khi Indonesia và Malaysia sẽ phải chờ đến tháng 7 để bắt đầu mùa vụ.
Mặc dù thị trường hạt tiêu đang có giá cao, mang lại niềm vui cho người nông dân, song cũng gây ra những vấn đề phức tạp. Sự biến động thất thường trong giá cả của mặt hàng nông sản này đã khiến nông dân lâm vào cảnh “chặt – trồng, trồng – chặt”.
Trước đây, hạt tiêu Việt Nam chiếm tỷ lệ 40% sản lượng toàn cầu hàng năm, nhưng dự kiến năm 2024, tỷ trọng này sẽ giảm xuống còn 31,8%.
Ngoài ra, tình trạng tăng giá nông sản còn dẫn đến nhiều vấn đề khác như tranh chấp mua bán, gian lận thương mại, không tuân thủ thỏa thuận hợp đồng, cũng như áp đặt giá và chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu…