Giá gạo trong nước trầm lắng, giá gạo xuất khẩu giảm
Giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần này có sự biến động giảm khá. Gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm cùng xu hướng giá gạo xuất khẩu của một số nước châu Á giảm mạnh sau khi Ấn Độ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu gạo.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.350 đồng/kg, giá bình quân là 6.736 đồng/kg, giảm 507 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho giảm trung bình 575 đồng/kg, ở mức 8.342 đồng/kg; giá cao nhất là 8.950 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự điều chỉnh giảm. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 13.500 đồng/kg, giá bình quân 12.950 đồng/kg, giảm 379 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 13.100 đồng/kg, giá bình quân 12.733 đồng/kg, giảm 283 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 12.700 đồng/kg, giá bình quân 12.367 đồng/kg, giảm 275 đồng/kg.
Giá gạo xát trắng loại 1 giảm 560 đồng/kg, giá trung bình là 13.570 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 giảm 317 đồng/kg, trung bình là 11.300 đồng/kg.
Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số loại lúa có sự biến động mạnh như: IR 50404 từ 6.800 – 7.000 đồng/kg, giảm 600 - 700 đồng/kg; lúa OM 5451 có giá từ 7.200 – 7.400 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; OM 380 dao động 7.200 - 7.300 đồng/kg…
Nếp Long An IR 4625 (khô) ổn định từ 9.500 - 9.700 đồng/kg; nếp Long An 3 tháng (khô) 9.800 - 10.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000 – 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.000 đồng/kg…
Hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu ở mức 10.150 - 10.250 đồng/kg. Trong khi đó, gạo thành phẩm IR 504 ở mức 12.500 - 12.600 đồng/kg.
Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 5.900 - 9.600 đồng/kg. Hiện, giá tấm OM 5451 đang ở mức 9.500 - 9.600 đồng/kg; giá cám khô lên mức 5.900 - 6.000 đồng/kg.
Cùng với đó, giá gạo xuất khẩu của một số nước châu Á giảm mạnh trong tuần qua sau khi Ấn Độ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu gạo làm gia tăng sự cạnh tranh trong khu vực. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Ngày 28/9, Chính phủ Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường không phải loại basmati, sau khi giảm thuế xuất khẩu gạo đồ từ 20% xuống 10%. Một nhà giao dịch tại Singapore cho rằng quyết định của Ấn Độ đột ngột làm tăng nguồn cung cho thị trường gạo.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 494-498 USD/tấn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ ngày 9/11/2023. Tuần trước, các nhà giao dịch chào giá gạo ở mức 528-534 USD/tấn. Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 490-495 USD/tấn trong tuần này. Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, cho biết, giá gạo đã giảm mạnh nhờ việc giảm thuế, nhưng người mua vẫn đang chờ đợi thị trường bình ổn.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn 510-515 USD/tấn so với mức 550-560 USD/tấn của tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023, do biến động của đồng baht và việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường không phải loại basmati.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu gạo ước đạt hơn 7 triệu tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng kim ngạch 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ.
Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục khả quan, khi giá xuất khẩu trong 9 tháng tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.
Từ đầu năm, nguồn cung của một số nước xuất khẩu gạo hạn chế, trong khi chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu khó tính của thị trường thế giới. Thêm vào đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia... duy trì ở mức cao. Đây là những yếu tố hỗ trợ sản lượng và giá xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay tăng khá.
Tuy nhiên, gần đây, Ấn Độ liên tiếp có những động thái nới lỏng hoạt động xuất khẩu gạo và điều này được dự báo sẽ tác động đến thị trường gạo thế giới.
Theo các chuyên gia, mặc dù nguồn cung phân khúc gạo trắng Non-basmati mà Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm không có nhiều nhưng việc nước này quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo 5% và 25% tấm.
Vì vậy, doanh nghiệp và người nông dân sản xuất lúa gạo cần có sự phối hợp, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, đảm bảo nguồn cung để giữ thế chủ động trong bối cảnh thị trường gạo thế giới có thể có biến động do nguồn cung tăng.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng nhận định: Việc Ấn Độ quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo phổ thông như gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam khó có thể giảm về dưới 500 USD/tấn do nguồn cung nội địa không dồi dào.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo việc này cũng sẽ không gây tác động nhiều lên giá lúa gạo xuất khẩu trong nước. Bởi giống lúa của Ấn Độ khác với Việt Nam. Gạo Ấn Độ chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp và xuất khẩu sang thị trường châu Phi. Còn tại Việt Nam, phần lớn diện tích đã được nông dân chuyển sang trồng các giống lúa chất lượng cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, cả nước gieo cấy 6,93 triệu ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương đã thu hoạch 5,4 triệu ha, tăng 0,7%; năng suất bình quân 63 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha. Sản lượng trên diện tích thu hoạch 34 triệu tấn, tăng 1,5%.
Hiện vụ lúa Hè Thu ở phía Nam đang bước vào giai đoạn cuối. Còn vụ lúa Thu Đông ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy 626 nghìn ha, tăng 2,9%. Tuy nhiên, vụ lúa này diện tích gieo cấy cũng không cao nên sản lượng lúa từ nay đến cuối năm cũng không quá dồi dào.
Trong khi đó, với các loại gạo chất lượng cao, các doanh nghiệp nhận định gạo Việt Nam vẫn giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Theo nhiều doanh nghiệp, giá gạo ST 25 sẽ khó giảm, thậm chí có thể tăng do khan hiếm nguồn cung. Mặc dù giá gạo thế giới có xu hướng giảm, nhưng nhờ nhu cầu cao từ các thị trường lớn và những loại gạo chất lượng cao như ST24, ST25 vẫn giữ được vị thế.
Ngay cả vụ Thu Đông, các địa phương đều khuyến cáo người nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao, như RVT, ST21 và ST25 để tiêu dùng trong nước và chuẩn bị cho gạo Tết sắp tới. Phần còn lại bán vào các thị trường như Philippines, Trung Quốc, Trung Đông và EU.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã cập nhật danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 3/10/2024. Theo danh sách này, cả nước có tổng số 163 thương nhân tại 23 tỉnh, thành phố đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trong danh sách, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu với 38 thương nhân; tiếp theo là TP Cần Thơ với 35 người; Long An có 22 thương nhân; các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp mỗi địa phương có 14 thương nhân; Hà Nội có 10 thương nhân; các tỉnh: Thái Bình, Tiền Giang mỗi địa phương có 4 thương nhân; Kiên Giang có 3 thương nhân; các địa phương: Hưng Yên, Nghệ An, Tây Ninh, Sóc Trăng, Thừa Thiên-Huế mỗi địa phương có 2 thương nhân; các địa phương: Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang mỗi địa phương có 1 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.