Trên cánh đồng vùng Giáp Kiền, những gốc quýt Hương Cần chỉ còn thưa thớt
Sáng sớm, chúng tôi chạy về vùng Giáp Kiền, nơi trồng quýt nổi tiếng ở xã Hương Toàn. Cảnh sắc năm nay khác hoàn toàn so với những năm trước. Đường vào chỉ còn vài gốc quýt lưa thưa. Không còn tiếng người nói cười thu hoạch rộn ràng như mọi năm.
Ông Trần Hữu Thỉ, 70 tuổi, người quen cũ nhận ra chúng tôi, mở cánh cổng tre mời khách vào vườn. Khu vườn giờ trồng toàn ổi, tìm kỹ lắm mới phát hiện vài gốc quýt lúp xúp được ông Thỉ che chắn chống cành cẩn thận. Ông kể trận lụt dài ngày năm 2020 làm chết 100 gốc quýt đã cho trái. Một sào quýt cho thu nhập bình quân 30 triệu đồng, thiên tai quét qua một đợt tất cả trở về số 0.
“Nhìn vườn quýt lúc ấy mà chảy nước mắt. Giờ còn sót lại vài cây gốc, tui chiết cành và tập trung chăm sóc. Dự kiến nếu có giống để trồng tầm 3-5 năm nữa mới phục hồi vườn quýt như xưa, không thì mất 7-8 năm”, ông giải bày.
Thay thế những khoảnh đất trống, ông trồng ổi ngắn ngày lấy kinh phí đắp đổi. “Vài ba tháng là đã có thu nhập từ ổi, mình lấy ổi nuôi vườn quýt. Ra vườn chăm ổi, chăm luôn mấy gốc quýt để bảo tồn giống chơ để đất đai không vậy tiếc quá! Mai mốt quýt lớn tui đốn ổi chơ làng ni không chi bằng trồng quýt mô”, ông Thỉ nói.
“Giàu” nhất làng quýt bây chừ là ông Lê Văn Đồng, xóm 6 thôn Giáp Kiền, ai cũng kháo nhau thế bởi vườn ông còn hơn chục gốc quýt Hương Cần. Mùa này chợ Hương Cần vắng bóng quýt làng. Muốn ngắm quả và xem giống quýt gốc, chỉ có ở nhà ông Đồng mà thôi!
Hơn 30 năm trồng quýt có tiếng, vườn quýt ông Đồng thường xuyên đón khách về thăm. Ấy vậy mà thiên tai hai năm qua lấy mất của ông gần 100 gốc quýt.
Giờ đây, ông nâng niu từng gốc quýt, mỗi ngày lên thăm, kiểm tra lá, rào chắn sợ gà phá, chiết cành, bón phân chuồng kỹ lưỡng. Quýt Hương Cần nhờ đất bồi phù sa mới thơm ngon. Cây ưa ánh sáng mặt trời và đất ẩm nên phải cân đối các yếu tố này. Ông Đồng cho hay hiện ông tập trung chăm sóc cho các cây gốc có sức, sau đó mới chiết thêm cành, gầy lại vườn dần dần. “Không thể để mất giống quýt quý của cha ông mình được”, ông Đồng quả quyết.
Ông Trần Như Vinh, một người trồng quýt ở địa phương bảo: “Chừ trông vô nơi vườn quýt bác Đồng, bác gầy giống được thì tui cũng chờ xin giống từ vườn đó thôi. Các phương pháp khác tụi tui chưa dám thử nghiệm bởi ngần ngại ảnh hưởng chất lượng quýt Hương Cần”.
Theo ông Tống Phước Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân Hương Toàn, đợt mưa bão 10/2020 khiến xã thiệt hại 11,8/12 ha quýt. Khó khăn hiện nay là cây giống. Địa phương đang vận động bà con đầu tư chăm sóc các cây gốc và nhân giống nhằm đảm bảo chất lượng, góp phần bảo tồn giống quýt quý này.
Cùng Thừa Thiên Huế Online theo chân nông dân Hương Toàn bảo tồn giống quýt quý:
Nông dân trồng ổi trên đất trống, một vài gốc quýt còn sót lại được un gốc che chắn kỹ lưỡng
Ông Trần Hữu Thỉ bên gốc quýt chi chít cành chiết làm giống. Đây là gốc quýt 8 năm tuổi trong vườn còn sống sót sau mưa bão
Một góc vườn các gốc, cành quýt khô bị chặt bỏ chờ giống mới thay thế
Ông Hồ Tấn Thọ, người còn vài gốc quýt Hương Cần gốc tại sân nhà đang chờ nhân giống
Một số hộ dân áp dụng phương pháp ghép quýt Hương Cần lên gốc bưởi theo hướng dẫn của Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế
Ông Trần Như Vinh nâng niu những quả ngọt hiếm hoi còn ở địa phương, kỳ vọng giống quýt này được phát triển trở lại
"Giống quýt này mùi rất thơm, ăn vào giòn, ngọt thanh. Đó là đặc điểm để phân biệt với các giống quýt khác", ông Vinh cho hay
"Chăm kỹ hơn, bón phân chuồng, xử lý sâu bệnh để bảo tồn các gốc quýt giống, nhằm gầy lại vườn cho mai sau", ông Đồng nói
Kiểm tra, xử lý sâu vẽ bùa trên một cây quýt con
Một gốc quýt Hương Cần sinh trưởng tốt chờ ngày chiết cành